Cách đây hàng chục năm, đã có những doanh nghiệp của Hàn Quốc có ý định đầu tư vào khu vực này.
Hiện tại, khu tây Hồ Tây được nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư, tạo nên sự sôi động cũng như sức bật cho khu này. Đáng kể đến là các chủ đầu tư nước ngoài như Deawoo D&C và Lotte (Hàn Quốc), Capital Land (Malaysia), Ciputra (Indonesia)…
Để ý từ những năm 90
Ciputra và Deawoo D&C được biết đến là những chủ đầu tư đầu tiên nhóm ngó và đầu tư vào khu tây Hồ Tây.
Ngay từ năm 1996, sau khi khánh thành khách sạn 5 sao Daewoo Hotel, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đã nhanh chóng thâu tóm một số bất động sản tại Hà Nội. Đáng kể nhất là ASEAN city (huyện Đông Anh) rộng 1.900 ha và khu đô thị Starlake tây Hồ Tây rộng 186 ha.
Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của Daewoo khiến cho cả 2 dự án này khó triển khai. Phải đến 2004, Starlake mới tái khởi động và đến năm 2006 Daewoo bắt tay với 5 công ty khác đến từ Hàn Quốc để cùng triển khai.
Toàn cảnh dự án Starlake của Daewoo D&C tại tây Hồ Tây. Ảnh: Việt Linh. |
Liên doanh này gồm Daewoo Engineer & Construction Co.,Ltd; Daewon Co.,Ltd; Dong IL Highvill Co.,Ltd; Keangnam Enterprises, Ltd và Kolon Engineering & Construction Co., Ltd.
Dự án này được tính toán với mức đầu tư 314 triệu USD, khi hoàn thành cung cấp khoảng gần 5.000 căn hộ, biệt thự, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20.000 dân. Dự án được chia thành 2 giai đoạn phát triển với quy mô giai đoạn 1 là 117 ha và giai đoạn 2 là 90 ha.
Dự án ASEAN city cũng bị chậm triển khai. Tuy nhiên, một hạng mục là sân golf Vân Trì đã được đưa vào hoạt động, trong đó cũng đã cung cấp những sản phẩm bất động sản cạnh sân golf đầu tiên ra thị trường.
Một đại gia khác từ Indonesia là Tập đoàn Ciputra cũng đã đầu tư vào khu tây Hồ Tây từ gần 20 năm trước. Khởi công từ năm 2003, khu đô thị Ciputra rộng 323 ha được tập đoàn này bắt tay với Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cùng thực hiện.
Khi đó khu vực tây Hồ Tây gần như chưa có một dự án bất động sản nào lớn được đầu tư. Ciputra được coi là một trong những khu đô thị đắt đỏ và hiện đại nhất Hà Nội khi đó, phục vụ cho phân khúc cao cấp.
Với số đất rộng lớn lên tới 323 ha, Ciputra còn phát triển dự án đến giờ không hết đất. Một phần của dự án này đã được nhượng lại cho một tập đoàn trong nước là Sunshine để thực hiện Sunshine City Hà Nội (nằm cạnh sân golf Ciputra).
Hồi sinh dự án “chết”
Không thâu tóm đất từ nhiều năm trước, hồi sinh dự án chết là cách mà một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Lotte đổ bộ vào tây Hồ Tây. Theo quy hoạch trước kia, trong khu đô thị Ciputra sẽ xây dựng một trung tâm thương mại lớn gọi là Ciputra mall.
Chủ đầu tư dự kiến xây dựng trung tâm thương mại với khu vực bán lẻ, với 1.200 cửa hàng, 48 nhà hàng, quán cà phê, siêu thị rộng khoảng 8.500 m2, khu vui chơi giải trí. Diện tích 71.000 m2 tầng hầm dành cho nơi để xe. Ngoài ra, nơi đây còn có một trung tâm chiếu phim đa năng với 12 rạp màn hình rộng.
Khu đất rộng 7,3 ha mà Lotte thâu tóm lại của Ciputra. Ảnh: Việt Linh. |
Dự án này khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với diện tích 7,3 ha và số vốn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2012 sau khi xong phần móng, công trình đột ngột dừng lại và đắp chiếu nhiều năm. Nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho một trung tâm thương mại lớn nằm trên đất vàng với 2 mặt tiền giáp đường Lạc Long Quân và đường Võ Chí Công.
Đến giữa năm 2017, dự án Ciputra Mall được bán lại cho Tập đoàn Lotte và đổi tên thành Lotte Mall Hanoi. Chi tiết của thương vụ không được các bên tiết lộ. Tuy nhiên sau khi thương vụ diễn ra, TP. Hà Nội đã cấp phép một dự án trung tâm thương mại mới cho Lotte với tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD.
Nhiều nguồn tin cho biết Lotte sẽ đầu tư 600 triệu USD vào khu đất 7,3 ha này để hoàn thành dự án vào năm 2021. Dự án này gồm tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí… của Lotte tại Hà Nội.
Mua lại "đất vàng"
Là người đến sau tại khu tây Hồ Tây, Capital Land cũng phải bỏ khá nhiều tiền để thâu tóm một khu đất vàng rộng 9.000 m2 nằm ngay ven đường Lạc Long Quân, cách Hồ Tây khoảng 200 m. Để có được lô đất vàng này, doanh nghiệp này phải trả khoảng 30 triệu USD (660 tỷ đồng).
Toàn cảnh khu đất 9.000 m2 của Capital Land tại tây Hồ Tây. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trước kia, lô đất nằm tại địa chỉ lô D7 bên trong khu 18,6 ha của dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Chủ đất là Công ty cổ phần Hiền Đức Tây Hồ, và đây cũng chính là đại bản doanh của công ty này.
Không những sở hữu vị trí đất vàng nằm mặt đường Lạc Long Quân, gần Trung tâm hành chính quận Tây Hồ, lô đất còn có 2 mặt khác tương ứng 2 ngõ 675 và 677 đường Lạc Long Quân. Lô đất này cũng nằm rất gần khu đô thị Ciputra và Lotte Mall Hanoi.
Tập đoàn Capital Land sau đó có tiết lộ đã chi 30 triệu USD để mua 99,49% cổ phần của Công ty cổ phần Hiền Đức Hồ Tây để nắm thương quyền phát triển dự án nằm trên khu đất vàng này. Hiện trạng của khu đất cũng là “đất sạch”, không có vướng mắc gì liên quan tới việc giải phóng mặt bằng hay đền bù.
Doanh nghiệp nước ngoài đang nắm nhiều lô đất lớn khu vực tây Hồ Tây. |
Capital Land dự kiến phát triển dự án khu phức hợp chung cư, thương mại, văn phòng trên lô đất này với quy mô gồm 380 căn hộ, 21.367 m2 diện tích văn phòng, và 19.323 m2 diện tích khu thương mại.
(Theo Zing)