Ngày ATTT Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và là một trong những hoạt động CNTT quan trọng trong năm được đông đảo cộng đồng ứng dụng và phát triển CNTT, giới truyền thông và toàn xã hội quan tâm, mong đợi. Năm nay, sự kiện đượcHiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Cục CNTT thuộc Bộ Quốc phòng, Cục ATTT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT đồng tổ chức.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA cho biết, là năm thứ 9 được tổ chức, sự kiện “Ngày ATTT Việt Nam” 2016 diễn ra trong bối cảnh gia tăng các nguy cơ trên không gian mạng. Năm 2016 là năm Chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố chiến tranh mạng chống lại nhà nước tự xưng IS - một điều chưa từng xảy tra trước đây; hay việc hàng loạt hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia bị tấn công, tiêu biểu như hệ thống cung cấp điện của Ucraine (tháng 1/2016) bị tấn công, hệ thống mạng của hãng hàng không Delta Airline bị đánh sập (tháng 8/2016), hệ thống thông tin của cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị gián đoạn (tháng 7/2016).
“Những vụ việc này đã khẳng định nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra, đó là chúng ta đang bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới trên không gian mạng, thay cho thập kỷ phá hoại trên mạng trong những năm 90 hay thập kỷ tội phạm mạng trong những năm 2000”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Lý giải thêm khái niệm kỷ nguyên mới về an ninh mạng, theo đại diện Ban tổ chức, đây là khái niệm bao trùm nhiều nội dung và một số nét mới của kỷ nguyên an ninh mạng này sẽ được làm rõ tại hội thảo quốc tế - hoạt động trung tâm của sự kiện “Ngày ATTT Việt Nam” 2016 diễn ra vào ngày 17/11 tại TP.HCM và ngày 2/12 tại Hà Nội.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hiện nay vấn đề an toàn, an ninh trên không gian mạng đã trở thành vấn đề chung. Các cuộc tấn công trước đây chúng ta gọi là tấn công có chủ đích - nhằm đến riêng một tổ chức, cá nhân có đặc điểm là được thiết kế riêng, thế nhưng hiện nay chúng ta đang phải hứng chịu hàng loạt các cuộc tấn công như vậy. Có lẽ các cuộc tấn công mạng đã có sự thay đổi về chất, buộc chúng ta không thể không phòng vệ. An toàn thông tin đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Thông tin thêm về những nội dung chính của hội thảo quốc tế sẽ diễn ra ngày 2/12 tại Hà Nội, Ban tổ chức sự kiện cho biết, bên cạnh báo cáo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, công cụ trong việc đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng của các diễn giả đến từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới như: Google, Microsoft, CISCO, IBM, Splunk, Samsung…, trong phiên khai mạc toàn thể diễn ra buổi sáng, VNISA sẽ trình bày một báo cáo quan trọng được dư luận quan tâm đó là báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam trong năm vừa qua và công bố chỉ số ATTT Việt Nam 2016.
Đồng thời, Cục ATTT cũng sẽ có báo cáo về những chính sách, qui định quản lý mới của nhà nước về lĩnh vực ATTT trong bối cảnh Luật ATTT mạng chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, trong phát biểu tại phiên hội thảo này, dự kiến lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ công bố Thông điệp ATTT của năm 2016, trong đó sẽ có những đánh giá, nhận định khái quát về thực trạng ATTT trên thế giới và trong nước cùng những chỉ đạo, định hướng quan trọng trong phát triển CNTT nói chung và ATTT nói riêng trong năm tiếp theo.
Buổi chiều cùng ngày 2/12, sẽ diễn 3 phiên hội thảo chuyên đề “Đổi mới về chính sách trong đảm bảo ATTT”; “Đổi mới về công nghệ trong đảm bảo ATTT”; và “Đổi mới trong hệ thống giám sát, phát hiện sớm và điều hành ứng cứu hệ thống thông tin. Điểm mới trong tổ chức hội thảo quốc tế về ATTT năm nay là sẽ tăng cường hoạt động trao đổi tương tác giữa các báo cáo viên với khách tham dự hội thảo thông qua việc tham gia trả lời trực tiếp các câu hỏi trên thiết bị di động thông minh ngay sau khi kết thúc trình bày báo cáo.
Bên lề các hội thảo sẽ giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ bảo mật tiên tiến nhất thông qua các gian hàng triển lãm của các hãng chuyên về ATTT hàng đầu thế giới. Trong đó có 1 gian hàng hết sức đặc biệt - Góc kỹ thuật được thiết kế giành riêng cho việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2015” của các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là nơi các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và tiếp xúc với khách mời về dự hội thảo.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện Ngày ATTT 2016 còn diễn ra nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và khuyến khích quảng bá việc ứng dụng, phát triển CNTT một cách bảo mật và an toàn: cuộc thi “Sinh viên với ATTT”; khoá đào tạo ngắn hạn về ATTT với chủ đề “Lập trình an toàn trên điện thoại di động” cho cán bộ quản trị hệ thống thông tin; Điều tra thực trạng về ATTT trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng điều tra là các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Trung tâm thông tin của các Bộ, ngành và hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT; Bình chọn danh hiệu “Sản phẩm ATTT có chất lượng cao và dịch vụ ATTT tiêu biểu của năm 2016”.