|
Một trung tâm dữ liệu của Google ở Phần Lan, Google đã tiến hành mã hoá các hệ thống thông tin nội bộ tại những trung tâm này. Ảnh: New York Times |
>> NSA đột nhập cả trung tâm dữ liệu của Google, Yahoo / Lo NSA gián điệp, Ấn Độ có thể cấm dùng Gmail, Yahoo!, Outlook / Giám đốc Tình báo Mỹ khẳng định Nhà Trắng biết NSA nghe lén
"Mồi ngon" của các tổ chức gián điệp
Google đã dành hàng tháng trời và hàng triệu USD để mã hoá email, các lệnh tìm kiếm và những thông tin khác truyền qua các trung tâm dữ liệu của hãng trên toàn thế giới. CEO Facebook cũng phản ứng mạnh mẽ với chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Và mặc dù chưa công bố phát ngôn song Twitter có kế hoạch thiết lập một số loại mã hoá để bảo vệ các tin nhắn của người dùng.
Đó là phản ứng của các đại gia công nghệ về hành vi gián điệp người dùng Internet của chính phủ, lén lút đột nhập vào các công ty công nghệ để tiếp cận hệ thống của họ mà không hề được sự cho phép hay hợp tác. Mới đây, có thông tin NSA đột nhập vào mạng lưới trung tâm dữ liệu của Google và Yahoo trên khắp thế giới để thu thập thông tin người dùng.
Các hành vi theo dõi, gián điệp người dùng Internet của NSA đã gây nên cuộc khủng hoảng đạo đức và kinh doanh đối với các công ty công nghệ Mỹ, đe doạ đến nền tảng kinh doanh của họ - một nền tảng dựa vào sự tin tưởng của người tiêu dùng và các công ty trong mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động, cuộc sống trên Internet.
Vì thế, các công ty có những phản ứng rất khác nhau về vấn đề này. Nhiều hãng xây dựng những pháo đài công nghệ để bảo vệ thông tin riêng tư mà đạo đức kinh doanh không cho phép họ để chính phủ hay bất kỳ cơ quan gián điệp nào tiếp cận.
Nhưng dù các công ty có biện pháp chống lại hành vi thu thập thông tin cá nhân của chính phủ thì mô hình kinh doanh của họ vẫn dựa vào hoạt động thu thập dữ liệu, phần lớn để bán quảng cáo một cách cá nhân hoá. Vì thế, dù các công ty làm gì, miễn họ vẫn là các công ty quảng cáo thì vẫn phải thu thập thông tin, mà những thông tin đó lại rất hấp dẫn các tổ chức gián điệp.
"Nội chiến" giữa các công ty công nghệ và chính phủ?
Khi những thông tin về chương trình theo dõi của NSA lộ ra hồi tháng 6/2013, các công ty đã rất tức giận khi mối quan hệ của họ với chính phủ bị phơi bày, trong đó họ phải tuân thủ yêu cầu luật pháp về dữ liệu của người dùng nước ngoài và họ vội vàng giải thích với khách hàng rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "vâng lời".
Nhưng khi chi tiết chương trình gián điệp lộ ra nhiều hơn, sự tức giận đã trở thành phẫn nộ và quan hệ hợp tác biến thành chiến tranh. Một số chính phủ các nước đã có hành vi gây khó dễ cho các hãng công nghệ. Tại Brazil, các nhà lập pháp đang xem xét điều luật yêu cầu Google phải lưu dữ liệu người dùng Brazil ngay tại Brazil. Các nhà lập pháp châu Âu tuần qua cũng đưa ra đề nghị yêu cầu các công ty Internet Mỹ phải được phép của các chính phủ châu Âu trước khi tuân thủ theo những yêu cầu thu thập dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, Ấn Độ đang xem xét để ban hành lệnh cấm công chức sử dụng dịch vụ email nền tảng đám mây nước ngoài để trao đổi thông tin trước cuối năm 2013. Theo đó, công chức Ấn Độ có thể bị cấm sử dụng Gmail, Yahoo! hoặc Outlook.com. Thay vào đó, họ được yêu cầu dùng dịch vụ do Trung tâm Thông tin Quốc gia (NIC) cung cấp.
“Các công ty đang muốn khẳng định rằng nếu họ không đồng ý thì chính phủ Mỹ không thể giám sát dữ liệu”, Christopher Soghoian, một nhà phân tích nói. “Nhưng điều họ không thể làm là thiết kế các dịch vụ thực sự khiến chính phủ không thể tiếp cận bởi mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo và họ không sẵn sàng từ bỏ mô hình này”.
Thậm chí từ trước tháng 6/2013, các lãnh đạo Google đã lo ngại về nguy cơ rò rỉ mạng lưới. Mới đây, có tin NSA đột nhập vào các đường liên kết giữa các trung tâm dữ liệu của Google và nhiều hãng công nghệ khác trên toàn thế giới.
Mặc dù các công ty công nghệ đã mã hoá dữ liệu truyền giữa các máy chủ và máy tính người dùng, song nhìn chung họ không mã hoá dữ liệu nội bộ bởi họ tin chúng an toàn và vì công việc mã hoá rất đắt đỏ, tốn thời gian và làm chậm mạng lưới.
Tuy nhiên, Google đã khẳng định những rủi ro trên đáng để làm. Và mùa hè vừa qua, giữa bối cảnh tình hình gián điệp, nghe lén căng thẳng, Google đã đẩy nhanh dự án mã hoá hệ thống nội bộ. Google cũng xây nhiều đường truyền cáp quang riêng để dữ liệu của hãng lưu thông. Nếu hãng quản lý được chúng, những người ngoài muốn thâm nhập sẽ khó khăn hơn.
Đội bảo mật của các công ty luôn cảm thấy như họ đang chơi trò đuổi bắt. Chẳng hạn, hàng tuần Google lại thay đổi các phím bảo mật của hãng - những phím mở khoá dữ liệu số đã mã hoá để đọc dữ liệu. Google, Facebook và Yahoo nói họ đang tăng sức mạnh bảo mật cho những phím này để chống lại các cuộc tấn công, đột nhập.
Mới đây, các “ông lớn” công nghệ gồm Google, Microsoft, Facebook, Yahoo, Apple và AOL đã gửi thư lên các thành viên Quốc hội Mỹ, yêu cầu cải tổ chương trình gián điệp của NSA. Theo những người liên quan đến sự việc, Larry Page - đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Google, nói rằng họ nghĩ chính phủ đã phản bội họ khi thông tin về chương trình gián điệp của NSA bị lộ và chính phủ không hề giải thích vai trò của các công ty công nghệ với công chúng, hay hành vi gián điệp của họ với các công ty công nghệ. Khi Tổng thống Obama mời Tổng giám đốc các hãng công nghệ đến để thảo luận về chương trình giám sát hồi tháng Tám, Larry Page đã không đến và cử một nhân viên cấp dưới đến.
Còn CEO của Facebook thì mỉa mai chương trình giám sát của chính phủ tại một hội nghị hồi tháng 9 rằng: “Chính phủ đã nói: "Ồ, không phải lo, về cơ bản chúng tôi không theo dõi bất kỳ người Mỹ nào”, Mark Zuckerberg nói. “Phải, điều này như thể là chính phủ muốn nói: "Ồ, thật tuyệt vời, các công ty rất có ích khi cố gắng phục vụ mọi người trên toàn thế giới và chỉ cần đảm bảo quyền riêng tư cho người Mỹ” - vị CEO nhấn mạnh.
Theo New York Times