- Ông bà nội tôi nay đã già và muốn thống nhất lập di chúc chung của cả hai người (tài sản của cả ông và bà, không tách riêng). Theo đó, ông bà muốn cho tôi ½ giá trị tài sản của cả nhà (bao gồm đất đai, nhà cửa, vàng) vì tôi là cháu đích tôn, có trách nhiệm thờ cúng cho cả họ sau này, còn lại chia đều cho 3 người cô của tôi (bố tôi mất đã lâu, mẹ tôi đi kết hôn với người khác ở xa).
Các cô tôi không đồng ý, cho rằng di chúc đó thiếu công bằng. Thậm chí, cô út còn cho rằng ông bà tôi đã già yếu, lẩm cẩm, không đủ sức khỏe để lập di chúc. Xin hỏi luật sư việc ông bà tôi có ý nguyện di chúc như vậy có sai không? Các cô không đồng ý thì có tuân thủ theo không hay họ có quyền kiện ra pháp luật? Và nếu ông bà tôi muốn lập di chúc có công chứng thì thủ tục và hồ sơ gồm những gì, ở đâu? Ông bà có cần khám sức khỏe không? Thủ tục cụ thể như thế nào? Cảm ơn luật sư.
Các cô tôi cho rằng ông bà lẩm cẩm, thiếu sáng suốt khi lập di chúc (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin bạn cung cấp, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự, thì ông bà bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc nếu thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện sau:
1. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
2. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Thứ hai: Về mặt hình thức, để di chúc có hiệu lực, ông bà bạn cần tự viết tay và ký vào bản di chúc đồng thời di chúc phải có đầy đủ nội dung quy định tại Điều 653 Bộ luật dân sư:
1. Di chúc phải ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Tuy nhiên, để tránh phát sinh tranh chấp sau này, khi lập di chúc, ông bà bạn có thể nhờ người làm chứng hoặc thực hiện thủ tục công chứng. Hồ sơ tài liệu cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục công chứng bao gồm:
- CMND, Sổ hộ khẩu của ông bà bạn.
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các tài sản định đoạt trong di chúc như:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đăng ký xe, sổ tiết kiệm, .....
Hiện nay các văn phòng công chứng không bắt buộc người lập di chúc phải khám sức khoẻ.Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào khả năng nhận biết của ông bà bạn mà công chứng viên có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu. Ông bà bạn có thể liên hệ các văn phòng công chứng tại địa phương để được hướng dẫn chi tiết thủ tục công chứng di chúc.
Sau khi thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục trên, di chúc của ông bà bạn sẽ có hiệu lực buộc cô bạn cũng như những người thừa kế khác phải thi hành.
Tư vấn bới luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis, Đống Đa, Hà Nội; SĐT 0986663459; Email: [email protected]
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc