Tại hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, ông Dũng cho rằng giáo dục nghề nghiệp sẽ khó khăn nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay.
“Giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục chung. Ngay cả tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đó tìm cách lôi kéo học viên nghề. Ngay cả dữ liệu các học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng làm riêng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải làm riêng mà không được chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo riêng rẽ như hai đường thẳng song song thì làm sao liên kết với nhau được?”, ông Dũng chia sẻ.
Do đó theo ông Dũng, để cuộc đua công bằng, cần giải quyết những bất cập về chính sách đầu tư, trong tư duy quản lý.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. |
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm GDNN. Như vậy, so với năm 2018, giảm 37 cơ sở (giảm 1,2%), tính riêng các cơ sở GDNN công lập giảm khoảng 4,28%. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở GDNN công lập giảm 4,92% so với năm 2018.
Từ năm 2017 đến 2018, một phần do hệ thống GDNN đã vận hành ổn định, một phần do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh nên kết quả tuyển sinh đã có những biến chuyển tốt hơn so với năm 2016. Trong 2 năm 2017 và 2018, cả nước đã tuyển được hơn 2,2 triệu người/năm, trong đó: tuyển sinh cao đẳng, trung cấp hơn 540 ngàn người/năm; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hơn 1,6 triệu người/trên năm, đạt từ 100,2 -100,5%.
Theo bà Hà, nhiều trường cao đẳng đã thực hiện tuyển sinh theo mô hình 9+ với đối tượng tốt nghiệp THCS để học liên thông lên trình độ cao đẳng. Người học vừa được học văn hóa THPT vừa được đào tạo nghề nghiệp. Đây là mô hình đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới, giúp rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo để người học sớm tham gia thị trường lao động. Đây cũng được xem là giải pháp đột phá cho GDNN trong thời gian tới và là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng sau THCS tại Việt Nam.
Hải Nguyên
Để giáo dục nghề nghiệp phát triển, xã hội cần thay đổi cả các chính sách tôn vinh
“Không chỉ dựa vào những yếu tố có tính hình thức như bằng cấp, mà tôn vinh bằng giá trị, kỹ năng và đóng góp, cống hiến của từng người thì giáo dục nghề nghiệp sẽ được đẩy mạnh phát triển”.