Hội thảo Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2017 được tổ chức sáng nay, 1/12/2017 là một trong những sự kiện thường niên quan trọng và nổi bật nhất trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam. 

Ngày ATTT Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0; bắt đầu của thời kỳ các sản phẩm thông minh, ứng dụng, dịch vụ thông minh và hệ sinh thái dịch vụ thông minh, do đó bảo đảm ATTT sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và có sự chuyển đổi phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT-Truyền thông. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. 

Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia đòi hỏi sự phối hợp thống nhất của nhiều Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Bởi vậy, giai đoạn hiện nay, sự điều phối của Nhà nước ở tầm quốc gia về an toàn, an ninh, thông tin mạng là hết sức cần thiết.

Phát biểu tại sự kiện khai mạc trong sáng nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết: Thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng đang gia tăng cả về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã chủ động xây dựng và trình Cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo ATTT mạng. Đặc biệt, Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia tại Quyết định số 63/QĐ-TTg và Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng theo Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm mới về bảo đảm ATTT mạng là phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe doạ mất ATTT.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ TT&TT đang tích cực triển khai như: Công tác phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ nội địa; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực kỹ thuật thông qua việc triển khai các hệ thống kỹ thuật; Hợp tác và diễn tập quốc tế, giám sát và cảnh báo; đặc biệt là phối hợp với các cơ quan chủ trì trong công tác đảm bảo ATTT cho các lĩnh vực thông tin quan trọng, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, chủ đề “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới” của Ngày ATTT 2017 mang một thông điệp mạnh mẽ và là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận những vấn đề mang tính thời sự nhằm nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo ATTT trong kỷ nguyên kết nối.

Thứ trưởng cho hay: "Cộng đồng tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng chuyên môn cao, đầu tư lớn và bài bản. Thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ CNTT trên mọi thiết bị ở quy mô xuyên quốc gia. Chính vì vậy, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi thông minh và phù hợp để ứng phó với tình hình hiện nay, hướng tới một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh, bảo đảm thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan tổ chức và toàn thể cộng đồng".

Tại phiên khai mạc Ngày ATTT sẽ công bố kết quả và trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các đội thi đoạt giải Nhất và giải Nhì cuộc thi "Sinh viên với ATTT 2017" ; công bố kết quả đánh giá sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017” của các doanh nghiệp trong nước.