Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở chương trình hành động của Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 20, công tác đối ngoại địa phương trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, sôi nổi, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại của đất nước, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trong chặng đường đó, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương chủ động khai thác cơ hội, tranh thủ điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy giao lưu, hợp tác với các đối tác; chọn lọc triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp với điều kiện và ưu tiên của mỗi địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.

Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Năm 2023, xuất khẩu của TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm. 

W-xuatkhau-1.png
Năm 2023, thị trường nông sản diễn biến theo hướng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giá lúa gạo tăng cao, xuất khẩu rau quả đạt được những con số kỷ lục (ảnh minh hoạ).

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhận định, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư của nước ta đã thực sự hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với sự biến động kinh tế thế giới hiện nay, hoạt động này còn có hạn chế.

“Là người bám sát địa bàn, tôi nhận thức rõ nét sự trăn trở, tâm huyết của các lãnh đạo địa phương trong việc làm thế nào để đổi mới, công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động này”, Đại sứ chia sẻ. Về sự phối hợp giữa Cơ quan đại diện và địa phương trong xúc tiến đầu tư, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, cần trả lời được 3 câu hỏi: Xúc tiến cái gì, xúc tiến với ai và xúc tiến như thế nào?

Gợi ý cho các địa phương để tăng cường hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư, Đại sứ chia sẻ: “Về công tác chuẩn bị, đây là hoạt động hết sức quan trọng, có tính quyết định đối với hiệu quả xúc tiến thương mại. Cần chuẩn bị đúng nội dung xúc tiến, phù hợp đối tác, tránh dùng “một bài” cho mọi đối tác. Sự chuẩn bị cần thể hiện chuyên nghiệp, có tiếng Anh, những bài trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin”.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), để xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả, các địa phương cần xác định lựa chọn những sản phẩm ưu thế của mình; xây dựng dữ liệu xúc tiến quảng bá trên cơ sở phát triển kinh tế địa phương và có sự tham khảo các cơ quan đại diện; tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức, có thể kết hợp với các sự kiện lớn của thế giới, của sở tại hoặc tổ chức riêng để tăng hiệu quả sự liên kết, giảm chi phí, và đặc biệt quan trọng là mời doanh nghiệp có nhu cầu tham gia”.

"Thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện. Các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV