Ngày 15/1/2025, Diễn đàn Phát triển chung với chủ đề "Xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao trên thế giới và sự phù hợp với Việt Nam năm 2025" đã diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). 

Sự kiện được tổ chức bởi Công ty TNHH Trading & Investment Hùng Đức và Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp HANEL, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, cùng các viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ.

Việt Nam 1.jpg
 Ông Alex Wu - Đại diện đơn vị tổ chức lên sân khấu phát biểu khai mạc. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Diễn đàn tập trung vào cơ hội hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng xanh. Các chuyên gia cho rằng, hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc) là một lựa chọn lý tưởng, nhờ vào hệ sinh thái công nghệ vững mạnh và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán dẫn. 

Việt Nam 2.jpg
Các đơn vị đồng tổ chức, đơn vị tài trợ nhận hoa và thư cảm ơn từ đơn vị tổ chức. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã xây dựng nền tảng công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ, với các khu công nghệ cao như Hsinchu và Taichung. Đây là nơi đặt trụ sở của TSMC, công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, cùng các tập đoàn khác như MediaTek. Các khu công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc phát triển công nghệ tiên tiến và sản xuất chip, giúp Đài Loan duy trì vị thế hàng đầu trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) còn là trung tâm của các công ty AI lớn như Supermicro, ADATA, và các công ty cung cấp giải pháp phần cứng hỗ trợ AI như Acer và Asustek. Những công ty này đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành AI, xây dựng Đài Loan (Trung Quốc) thành một trong những thị trường tiên phong trong lĩnh vực này.

Một yếu tố quan trọng khác là hệ thống giáo dục đào tạo tại Đài Loan (Trung Quốc), với các trường đại học danh tiếng như Viện Công nghệ Quốc gia Đài Loan (NTUST) và Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU). Những cơ sở này cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về bán dẫn và thiết kế vi mạch, giúp Đài Loan (Trung Quốc) tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các công ty bán dẫn lớn. Điều này đã giúp Đài Loan (Trung Quốc)duy trì lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các công ty lớn như NVIDIA, với các chip AI và đồ họa nổi tiếng được sản xuất tại đây.

Việt Nam 3.jpg
 PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày chủ đề về ngành công nghiệp bán dẫn, vi điện tử, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và AI. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam

Một trong những chủ đề chính tại Diễn đàn là việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng Việt Nam cần xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, hợp tác quốc tế, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đào tạo nhân lực bán dẫn tại Việt Nam. Từ năm 2025, nhà trường sẽ tuyển sinh và đào tạo 200 sinh viên mỗi năm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn. Chương trình đào tạo được xây dựng hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ Đài Loan (Trung Quốc), nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp công nghệ. Trường cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại và đội ngũ giảng viên, giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với công việc trong ngành bán dẫn, AI, điện toán đám mây và năng lượng xanh.

Việt Nam 4.jpg
 Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày chủ đề “Việt Nam sẵn sàng tăng tốc phát triển công nghiệp bán dẫn”. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển công nghệ

Diễn đàn cũng đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc gia nhập chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Các phiên thảo luận tại diễn đàn đã giúp đại biểu từ Việt Nam và các đối tác quốc tế hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong ngành công nghệ cao. Các chuyên gia cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hiệu quả, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI toàn cầu.

Đặc biệt, sự hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc) là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nắm bắt các xu hướng công nghệ tiên tiến, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghệ cao trong nước. Các chương trình hợp tác này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn giúp hình thành một hệ sinh thái công nghệ bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Việt Nam 5.jpg
 Ông David C.Lewis - Chủ tịch ECV, đối tác chiến lược của SaigonTel - trình bày chủ đề “An ninh năng lượng và sự cần thiết của hệ sinh thái KCN xanh trong phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam”. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Việt Nam 6.jpg
Các diễn giả, chuyên gia, và đại diện doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận. Ảnh: Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Diễn đàn Phát triển chung 2025 kỳ vọng trở thành nền tảng thường niên thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là với Đài Loan (Trung Quốc). Sự kết nối giữa hai quốc gia trong ngành bán dẫn, AI, điện toán đám mây và năng lượng xanh sẽ tạo ra các cơ hội hợp tác bền vững, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam và mở rộng mạng lưới giao thương, nghiên cứu và phát triển. Các đối tác từ Đài Loan (Trung Quốc) sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ và đào tạo nhân lực, giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ cao tại khu vực.

Tú Uyên