Hơn 2 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, hầu hết người Mỹ đã có khả năng miễn dịch chống lại virus - nhờ vắc xin, từng nhiễm bệnh hoặc kết hợp cả hai. Nhưng vẫn có những trường hợp hiếm hoi, trong đó một số người chưa tiêm phòng, dường như tránh được virus mặc dù đã phơi nhiễm nhiều lần. 

Điều này đã đặt ra câu hỏi liệu những người đó có miễn dịch tự nhiên chống lại Covid-19 hay không? 

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem liệu khả năng trên có tồn tại và hoạt động như thế nào. Việc nghiên cứu những trường hợp này có thể giúp phát triển các loại vắc xin và phương pháp điều trị mới chống Covid-19.

Giáo sư Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ) nói, một khả năng là những người chưa nhiễm Covid-19 đã gặp may. Đó cũng có thể do những hành vi của họ, như đeo khẩu trang đúng cách hoặc tránh các tình huống dễ khiến họ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Catherine Troisi, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Đại học Texas (Mỹ), đánh giá: “Tôi nghĩ có một lời giải thích khác hợp lý hơn là một số trường hợp đã nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng. Bởi vậy, họ không biết mình đã mắc bệnh”. 

Ảnh minh họa: Captimes

Về mặt khoa học, theo Giáo sư Crotty, có hai cách giải thích tại sao một số người có sức đề kháng với virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều so với người khác. Đầu tiên, nhóm này có thể loại bỏ virus nhanh chóng, trước khi đạt đến mức có thể phát hiện được do có khả năng miễn dịch với các loại virus corona khác như cảm lạnh.

Có hơn 200 loại virus cảm lạnh thông thường - 4 trong số đó là virus corona chiếm khoảng 30% tổng số ca nhiễm cảm lạnh thông thường. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hầu hết mọi người đều nhiễm một hoặc nhiều loại virus corona theo mùa vào một thời điểm nào đó trong đời.

Các kháng thể, có được từ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh, tấn công virus mới xâm nhập vào cơ thể. Trong khi đó, tế bào T ngăn chặn virus nhân lên và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng. Tế bào T dường như có hiệu quả chống lại các loại virus corona khác nhau giống như phản ứng chéo.

Một nghiên cứu với các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Anh được công bố vào tháng 11/2021 cho kết quả tương tự. Phân tích xem xét những người đã tiếp xúc với virus nhưng không có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sự hiện diện của các tế bào T đã góp phần vào việc loại bỏ nhanh chóng SARS-CoV-2 và các bệnh do virus corona gây ra. 

Lời giải thích khác là một số người có khả năng miễn dịch bẩm sinh với các yếu tố di truyền bảo vệ họ khỏi nhiễm SARS-CoV-2.

Phó giáo sư Neville Sanjana, Đại học New York, đã nghiên cứu các yếu tố di truyền tiềm ẩn cơ bản đề kháng Covid-19. Để xâm nhập vào cơ thể con người, virus SARS-CoV-2 cần kết hợp với thụ thể ACE2. Những đột biến của ACE2 có thể khiến virus gặp khó khăn. 

Trường hợp tương tự đã được chứng minh ở căn bệnh AIDS. “Với HIV, virus gây bệnh AIDS, thụ thể xâm nhập là CCR5. Một số người có đột biến loại bỏ CCR5 và họ hầu như miễn dịch với HIV”, Phó giáo sư Sanjana nói.

Các nhà khoa học cũng đã xem xét các biến thể di truyền khác trên bộ gen người.

“Con người có khoảng 20.000 gen và chúng tôi thực sự không biết gen nào có thể ảnh hưởng đến các tế bào trong biểu mô đường thở hoặc trong phổi - con đường xâm nhập của SARS-CoV -2”, Phó giáo sư Sanjana chia sẻ. 

An Yên (Theo Yahoo)

Biểu hiện trên da hậu Covid-19 khiến bệnh nhân tự ti cả tháng

Biểu hiện trên da hậu Covid-19 khiến bệnh nhân tự ti cả tháng

Sau khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, một người vẫn có thể gặp các biến chứng về da như mụn rộp, mụn cóc, phát ban và mẩn đỏ.