Tất cả các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đều nhắc tới quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp.

Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm: “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”.

Thủ tướng đặt vấn đề: "Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?".

{keywords}

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận dự thảo hghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế… Đây là dự thảo Nghị quyết đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến ngay sau hội nghị doanh nghiệp Việt Nam ngày 29/4 tại TP.HCM.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 4 tháng đầu năm, đã có gần 35.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn trên 248.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp (cùng kỳ chỉ tăng 9,7%) và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký (cùng kỳ tăng 13,3%).

“Đây là bước chuyển mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Với tính chất khá đặc biệt của phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn, các Bộ trưởng đã nêu rõ quyết tâm, phương hướng trong dài hạn và cũng đề xuất những giải pháp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, điều rất quan trọng hiện nay là phải làm sao có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để đầu tư vào nông nghiệp. Bộ sẽ có báo cáo cụ thể Chính phủ về vấn đề này.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh yêu cầu phải triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. “Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện các giải pháp này theo chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp”, ông cho biết.

Trước đó, tại hội nghị với doanh nghiệp, nhiều vướng mắc cụ thể đã được doanh nghiệp phản ánh và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết rà soát lại, nổi bật như những vấn đề liên quan đến thông tư 37 của Bộ về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận xét, những địa phương nào đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi cơ chế, chính sách thông thoáng thì đều thu hút đầu tư rất mạnh, phát triển nhanh. “Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng phải rất chú trọng cải cách hành chính”, ông chia sẻ.

Liên quan đến nguồn vốn cho bất động sản, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về liều lượng thay đổi và thời điểm thực hiện việc sửa đổi thông tư 36 - vấn đề đang được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Chính phủ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục, đặc biệt là về hải quan và các điều kiện kinh doanh.

“Cơ chế một cửa, bộ trưởng, thứ trưởng rất quyết liệt, vụ trưởng, cục trưởng cũng quyết liệt, nhưng tới chuyên viên thì chưa chắc, tuy đã điện tử hóa nhưng lại vẽ ra thủ tục, giấy tờ này khác làm khó doanh nghiệp. Đồng thời, phải làm sao loại bỏ được các loại giấy phép con trong đầu tư kinh doanh, tôi nhìn các loại giấy phép khi mở doanh nghiệp vẫn thấy còn rất khó khăn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu ban hành kịp thời các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp. “Điều này cực kỳ quan trọng để bảo đảm lòng tin của doanh nghiệp, của người dân. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo hành lanh pháp lý rất tốt cho doanh nghiệp đầu tư”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống các quy định về đầu tư xây dựng và nhận thấy có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa luật Đầu tư, luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản. Bộ đã có hướng sửa đổi và sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&ĐT tiến hành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền sửa đổi theo yêu cầu của Thủ tướng.

Theo VGP