Hôm nay, ngày 11/12/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc CNTT (CIO) của cơ quan nhà nước đã chủ trì phiên họp thứ 2 năm 2015 của Hội đồng.

Một trong 4 nội dung chính được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại phiên họp Hội đồng CIO của cơ quan nhà nước lần này là kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 (Quyết định 1819) nhằm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; và thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Chương trình nhằm mục tiêu cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin,cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Thực hiện thành công các mục tiêu hàng năm nêu trong Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Trong đó, về ưng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chương trình nêu rõ các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020  như: Cung cấp đầy đủ thông tin trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của tất cả các cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định 43; 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; 50% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô, xe máy…

Tại phiên họp, đại diện Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Hội đồng CIO của cơ quan nhà nước đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến năm 2020.

Cụ thể, bên cạnh những nhiệm vụ đặc thù của từng Bộ, ngành, để triển khai Quyết định 1819, Cục Tin học hóa cũng cho rằng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có trách nhiệm chung trong việc thực hiện một số nhiệm vụ như: Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc; Xây dựng, duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ...

Đáng chú ý, đối với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo Cục Tin học hóa, hướng tới mục tiêu giảm thời gian, số lần người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính và 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4, trong thời gian tới, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thông tin trên trang/ cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao 3,4; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ còn cần triển khai các nội dung khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, lý do đơn vị này đề nghị các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ cụ thể nêu trên là vì thực tế thời gian vừa qua về mặt kỹ thuật nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên trang/ cổng thông tin điện tử của đơn vị mình; tuy nhiên việc người dân có điều kiện để truy nhập, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Tình trạng ở một số địa phương, người dân chưa “mặn mà” với các dịch vụ công trực tuyến từng được ICTnews phản ánh. Đơn cử như, tại Bình Định, từ năm 2009 đến nay, tỉnh này đã có 4 đơn vị gồm Sở TT&TT, Sở Công Thương, Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án triển khai cung cấp tổng số 43 dịch vụ công trực tuyến. Song qua gần 6 năm triển khai, vẫn chưa có một ai sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chưa có một  hồ sơ nào được nộp đến bằng  hình thức giao dịch điện tử.

Cũng tại phiên họp Hội đồng CIO của cơ  quan Nhà nước, Cục Tin học hóa cũng đã xin ý kiến các thành viên Hội đồng về phương án triển khai dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, theo đánh giá và khảo sát của Cục Tin học hóa, hiện nay cách thức triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được thực hiện theo 3 cách: Một số dịch vụ công trực tuyến được Bộ chuyên ngành triển khai đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương có hiệu quả cao (ví dụ, Bộ KH&ĐT với dịch vụ đăng ký kinh doanh); Nhiều dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương được địa phương tự triển khai riêng lẻ, không đồng bộ (khai sinh; đăng ký tạm trú, tạm vắng…); một số dịch vụ cả Trung ương và địa phương cùng triển khai.

Từ thực tế nêu trên, Cục Tin học hóa đề xuất các phương án: Các Bộ triển khai dịch vụ  công trực tuyến cho toàn ngành từ Trung ương đến địa phương - Bộ xây dựng, các địa phương sử dụng (Phương án tập trung); Địa phương tự xây dựng dịch vụ công trực tuyến (Phương án phân tán); Một số dịch vụ Bộ xây dựng, một số dịch vụ địa phương chủ động xây dựng (Phương án lai); triển khai như hiện nay.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Tin học -  Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, hệ thống đăng ký kinh doanh đã được Bộ KH&ĐT triển khai hơn 10 năm nay và đã đạt được những thành công bước đầu. Ông Sơn cho rằng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến theo phương thức tập trung có những lợi thế không thể phủ nhận như: chi phí đầu tư không quá lớn, việc vận hành, triển khai và chia sẻ thông tin dễ dàng…

Còn theo ông Lương Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Thông tin của Bộ Ngoại giao, Bộ này đang cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến được đánh giá cao trong mảng lãnh sự và lễ tân tại Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ TP.HCM và 95 cơ quan đại diện ngoại giao. Các dịch vụ này được cung cấp theo cả hai phương thức tập trung và phân tán.

Về vấn đề lựa chọn phương án nào để triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết, trong khuôn khổ phiên họp, Cục muốn nêu vấn đề ra để các thành viên Hội đồng góp ý bước đầu. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn và nếu cần sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội đồng để tổ chức cuộc họp riêng bàn về nội dung này.