1a.png
Cần chỉ đạo kiên quyết hơn công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước.

Kiên quyết hạn chế chuyện đầu tư trùng lặp phần mềm

Trao đổi tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT vừa diễn ra, đại diện một số Sở TT&TT cho biết hiện nay đang diễn ra hiện tượng đầu tư phần mềm ứng dụng trùng lặp giữa các bộ và địa phương trong một số lĩnh vực. Ví dụ điển hình trong thời gian vừa qua là hệ thống phần mềm đăng ký kinh doanh toàn quốc.

Trong thực tế, nhiều địa phương đều đã có phần mềm đăng ký kinh doanh, tuy nhiên Bộ KH&ĐT gần đây cũng triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh toàn quốc và đề nghị các địa phương bỏ phần mềm đã có để chuyển sang sử dụng. Thực trạng đó được đại diện các Sở đánh giá là gây lãng phí đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc đề nghị các địa phương khi nắm được chủ trương của Bộ chuyên ngành nào triển khai phần mềm có hiện tượng trùng lặp với đầu tư đã có trước tại địa phương, thì cần báo cho Bộ TT&TT.

“Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm làm việc với Bộ chuyên ngành để làm rõ phạm vi của Bộ đến đâu, phần mềm nào địa phương chưa có, để hạn chế chuyện đầu tư hai lần lãng phí như đã từng xảy ra”, ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.

“Xốc” lại hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước

Tại Hội nghị, một vấn đề khác được các Sở quan tâm, đó là Bộ TT&TT cần chỉ đạo quyết liệt hơn công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước như trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Trao đổi cụ thể, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết dự kiến ngay trong tháng 7/2012 Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ thực hiện đánh giá tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước, từ đó xây dựng lộ trình để đến năm 2015 có thể đạt được tỷ lệ 60% văn bản sẽ được trao đổi dưới hình thức điện tử giữa các cơ quan.

Cùng đó, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ yêu cầu các địa phương công bố lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên mạng. “Lộ trình này đã được quy định tại Nghị định 43/2011 về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang tin hoặc cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, qua đánh giá của Cục Ứng dụng CNTT thì tại các địa phương có thực trạng nơi làm tích cực, nơi không”, ông Phúc bày tỏ.

Xem xét “gỡ khó” cho doanh nghiệp dịch vụ CNTT

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ số hóa và dịch vụ CNTT khác tại TP.HCM đang “hoang mang” sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06 hướng dẫn về thuế GTGT cho dịch vụ số hóa và dịch vụ CNTT khác (có hiệu lực từ ngày 1/3/2012).

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng trong thời gian gần đây, Vụ cũng đã nhận được một số phản ánh tương tự như Sở TT&TT TP.HCM đến từ nhiều Sở TT&TT khác trong nước bày tỏ thực trạng các doanh nghiệp còn lúng túng khi phân định cụ thể dịch vụ số hóa và dịch vụ CNTT khác để từ đó chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.

Ông Đường cho biết, hiện Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về danh mục, sản phẩm và dịch vụ CNTT và khi được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp đỡ “lúng túng” hơn. “Hiện Thông tư này đang được đưa ra xin ý kiến cộng đồng trên website của Bộ TT&TT. Đề nghị các Sở, cộng đồng doanh nghiệp có góp ý để sớm ban hành”, ông Đường nói.

Còn liên quan đến kiến nghị cho phép không truy thu thuế trước thời điểm ban hành Thông tư 06 cũng như giãn thu thuế, giảm thuế cho dịch vụ số hóa và dịch vụ CNTT khác, đại diện Vụ CNTT cho biết đang tổng hợp ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, các Sở TT&TT để báo cáo Bộ TT&TT, từ đó có đề xuất lên Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

 

Game online: Vẫn cấp phép nhưng “siết” nội dung

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện một số Sở TT&TT như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Kiên Giang… đề nghị Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định thay thế cho Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Internet để quản lý hiệu quả hơn nội dung trên Internet như trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, trang thông tin điện tử.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết hiện Cục đang tham gia cùng Cục Viễn thông gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định. Về quản lý game online, trong văn bản dự thảo đã gửi các Sở lấy ý kiến thì đối với trò chơi trực tuyến nhập vai vẫn sẽ cấp phép (do Bộ TT&TT cấp phép) và công tác kiểm định nội dung được “siết” chặt hơn.

Cùng đó, cũng theo Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, việc quản lý mạng xã hội sẽ do Bộ TT&TT cấp phép, còn trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ thực hiện phân cấp cho các Sở.

“Thời gian qua, việc cấp phép trang tin đã được thí điểm cho Sở TT&TT TP.HCM và Hà Nội, nay dự thảo Nghị định sẽ thực hiện phân cấp cho tất cả các Sở quản lý đối tượng là đơn vị, doanh nghiệp tại từng địa phương; còn tổ chức có yếu tố nước ngoài, tôn giáo… thì vẫn do Bộ TT&TT cấp phép”, ông Hải nhấn mạnh, đồng thời cho hay hiện Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng đang xúc tiến chuẩn bị các văn bản liên quan để sau khi Nghị định ban hành sẽ có hướng dẫn thực hiện cụ thể, đảm bảo cho việc thực thi đạt hiệu quả cao nhất.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 84 ra ngày 13/7/2012.