Trong những ngày đầu hè, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy ô tô gây thiệt hại về tài sản. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa?
Khoảng 15h15 ngày 13/6, một ô tô đang lưu thông qua ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) thì bất ngờ bốc cháy, người dân đã nhanh chóng dùng bình cứu hỏa mini dập tắt vụ hỏa hoạn.
Theo người dân chứng kiến sự việc, vào thời điểm trên, ô tô mang biển kiểm soát 30A- 595.XX đang lưu thông qua ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh thì có khói bốc lên.
"Khi thấy khói, lửa bốc lên, tài xế đã nhanh chóng đỗ xe vào làn đường dành cho xe đạp ngay cạnh sông Tô Lịch thuộc tuyến đường Láng. Sau đó, lửa bốc lên dữ dội làm vỡ kính xe và cháy ghế ngồi", một người chứng kiến sự việc kể.
Trước vụ hỏa hoạn bất ngờ, nhiều người dân gần đó đã nhanh chóng dùng bình cứu hỏa mini, xô múc nước để dập tắt đám cháy.
Tại hiện trường, vụ cháy đã khiến ô tô hư hỏng nặng. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Cùng ngày, vào khoảng 12h, một ô tô 7 chỗ đang di chuyển trên quốc lộ 37B (đoạn qua xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, Nam Định) thì bất ngờ bốc cháy.
Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn xe, bốc cháy ngùn ngụt. Nhiều người dân có mặt chứng kiến vụ việc nhưng không thể tiếp cận dập lửa.
Được biết, thời điểm ô tô bốc cháy, những người trên xe đã kịp tháo chạy nên không có thiệt hại về người.
Biện pháp phòng ngừa cháy ô tô mùa nắng nóng
Theo các kỹ sư ô tô, việc lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế cho xe được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cháy ô tô. Bởi vì, các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện khi sử dụng. Đồng thời, có thể do sử dụng dây điện kém chất lượng hoặc các mối nối “bất cẩn” làm tăng nguy cơ chập cháy.
Đáng nói, nhiều người có thói quen lười bảo dưỡng xe hoặc không để ý đèn cảnh báo dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Các chi tiết phụ tùng hư hại, gỉ sét… không được khắc phục và bảo dưỡng kịp thời sẽ làm giảm khả năng vận hành của xe khiến xe dễ bị cháy.
Cùng với đó, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40ºC thì nhiệt độ trong xe sẽ đạt từ 60 - 90ºC. Nếu trong xe để các lon nước có gas, bật lửa… sẽ là tác nhân tạo nên đám cháy.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng trái đất nóng lên, mùa hè ở nước ta trong những năm gần đây có nhiệt độ tăng lên khá cao. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy nổ ô tô hiện nay. Vì vậy, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần đặc biệt lưu ý:
Thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy.
Thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.
Chú ý bảo dưỡng xe định kỳ, đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, đặc biệt không nên độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa, tủ lạnh…) không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất xe.
Thực hiện quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi xe có dấu hiệu khác thường.
Kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng. Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).
Sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Trong tình huống xảy ra cháy ô tô, cần tìm mọi cách để đưa người thoát ra khỏi xe nhanh chóng và tìm cách chữa cháy. Khóa ngay bình xăng nếu có thể (đối với các xe có thiết kế khóa xăng), dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp.
Ngoài ra, cần gọi điện báo ngay cho lực lượng cứu hỏa theo số điện thoại 114 hoặc cho công an, chính quyền địa phương… nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy, có biện pháp xử lý phù hợp.