Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25/6/2013 và trải qua 7 năm triển khai thực hiện.

Tại buổi tổng kết đề án, tỉnh Thanh Hóa cho biết, về cơ bản Đề án đã làm thay đổi một tập tục lạc hậu lâu đời. Với sự tham gia trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, thôn bản, sự đồng lòng trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên là người dân tộc Mông, đến nay, hủ tục, lễ nghi lạc hậu trong tang ma của đồng bào Mông ở Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, đa số người Mông đã đồng tình, ủng hộ và quyết tâm cao trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ.

Quang cảnh buổi tổng kết

Đến nay các hủ tục lạc hậu như: bắn súng để thông báo có người chết không còn thực hiện nữa, người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày và được chôn ở nghĩa địa tập trung, các nghi lễ được rút ngắn và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, giảm chi phí trong tang lễ; nhận thức của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực, tin tưởng vào việc thực hiện nếp sống văn hóa mới bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây tốn kém về kinh tế của gia đình, dòng họ.

Giờ đây, người Mông chỉ còn nhắc lại tục lệ ấy như ôn lại chuyện cũ trong ký ức. 100% bản Mông có hương ước và thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ. Trên các bản làng đồng bào Mông đã thực hiện nếp sống văn hóa mới. 

Hội nghị tổng kết cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án như: việc xây dựng các nghĩa địa tập trung cho đồng bào Mông ở các xã chưa đạt theo mục tiêu đề án đưa ra, đây là nhiệm vụ rất khó khăn do quỹ đất quy hoạch trên địa bàn không có...

Điều này cũng dễ hiểu, bởi để làm thay đổi một tập tục, thói quen lưu truyền ăn sâu bén rễ trong mỗi cộng đồng là một hành trình dài, bền bỉ và công phu.

Khởi động giai đoạn tiếp theo, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 về triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, việc thành lập Ban vận động, tuyên truyền thực hiện Đề án trong giai đoạn mới, đã được thực hiện ở cả cấp huyện, xã và thôn bản của cả 3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Về công tác tuyên truyền, đã hoàn thành 100% các hội nghị tuyên truyền, nội dung đã tuyên truyền đầy đủ các văn bản, quy định liên quan đến việc tang, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng bản văn hóa ...

Chính quyền cơ sở và thôn/bản đã quán triệt tốt tinh thần về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ, chỉ đạo việc vận động gia đình tang chủ thay đổi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; hướng dẫn và tạo điều kiện cho gia đình có người chết tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm và phù hợp với tập quán của dân tộc, địa phương, dòng họ.

Đề cao vai trò tiên phong của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tiếp tục tuyên truyền, vận động và làm gương cho các hộ dân đồng bào Mông tiếp tục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng các quy định, nhằm xoá bỏ các hủ tục, lạc hậu; lựa chọn phát huy, gìn giữ những phong tục, giá trị văn hoá tốt đẹp, lành mạnh trong tang lễ.

Đề án cũng chủ trương nâng cao dân chỉ, tích cực giảm nghèo thông tin thông qua việc tổ chức các lớp học, với 42 người Mông tham gia về bảo tồn văn hóa truyền thống (các bài mo trong tang lễ của người Mông) do các nghệ nhân là người Mông trực tiếp truyền dạy. Tổ chức cho Trưởng dòng họ, Già làng, Người có uy tín đi tham quan trao đổi kinh nghiệm về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ với các địa phương người Mông tại tỉnh Hà Giang.

Duy Linh, Lê Na, Hà Sơn, Duy Linh, Phùng Thuỷ