{keywords}
Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, báo cáo ngày 30/3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sự gia tăng này có thể xuất phát từ những thay đổi trong cách báo cáo các ca tử vong vì Covid-19 trên khắp nước Mỹ và do các số liệu mới được Ấn Độ điều chỉnh.

Trong báo cáo hàng tuần mới nhất về đại dịch, WHO nêu rõ, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm, gồm cả khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi chứng kiến số ca nhiễm tăng kể từ tháng 12 năm ngoái.

Tuần qua, hơn 10 triệu ca mắc mới và hơn 45.000 ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu. Số ca tử vong tăng vọt so với con số 33.000 của tuần trước. WHO cho biết, các nước như Chile và Mỹ đã thay đổi cách xác định ca tử vong do Covid-19. Ngoài ra, hơn 4.000 người ở Maharastra, Ấn Độ ban đầu không được tính là tử vong do Covid-19, đã được bổ sung vào bản thống kê của tuần trước.

WHO cảnh báo, việc giảm giám sát sẽ gây hại cho nỗ lực phát hiện các biến thể mới, làm suy yếu khả năng ứng phó với dịch. Hàng loạt quốc gia tại châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế liên quan tới Covid-19, chỉ dựa vào tiêm phòng ở mức độ cao để ngăn chặn sự gia tăng đột biến của các ca lây nhiễm.

Ca mắc Covid-19 ở châu Á vượt mốc 100 triệu

Số ca mắc Covid-19 ở châu Á đã vượt quá 100 triệu vào ngày 30/3 do khu vực này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu là do biến thể phụ BA.2 Omicron. Theo phân tích của Reuters, cứ hai ngày một lần, số ca mắc Covid-19 tại châu Á lại tăng hơn 1 triệu. Hiện, khu vực này chiếm 21% tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Biến thể phụ BA.2 của Omicron dễ lây nhưng ít gây chết người đã làm số ca nhiễm tăng mạnh trong những tuần gần đây tại một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể phụ BA.2 hiện diện trong gần 86% tổng số ca bệnh.

Phân tích cho thấy, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về số ca mới trung bình hàng ngày, cứ 4 ca nhiễm trên toàn cầu mỗi ngày lại có một ca ở Hàn Quốc. Dù số ca mới ở Hàn Quốc đã chững lại vào đầu tháng 3, nhưng nước này vẫn chứng kiến hơn 300 ca tử vong mỗi ngày, buộc nhà chức trách phải yêu cầu các lò hỏa táng hoạt động thêm giờ.

Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca ở Thượng Hải tăng, chủ yếu do BA.2, đã làm trung tâm tài chính của Trung Quốc phải phong tỏa. Thượng Hải đã tiến hành phong tỏa hai giai đoạn với 26 triệu dân từ đầu tuần này.

Tại Ấn Độ, hơn 43 triệu ca mắc Covid-19 đã được báo cáo. Trong 11 ngày vừa qua, số ca nhiễm hàng ngày ở nước này chưa tới 2.000, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn đỉnh điểm mà Ấn Độ phải trải qua hồi tháng 1, khi đó, mỗi ngày có hơn 300.000 ca mắc mới.

Đầu tháng 3, số ca tử vong vì Covid-19 ở châu Á vượt quá 1 triệu. Hiện giờ, con số này là 1.027.586 trường hợp.

Tổng thống Mỹ Biden tiêm mũi vắc xin thứ 4

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (30/3) đã tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa Covid-19 thứ hai (tức mũi vắc xin thứ tư), một ngày sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê chuẩn việc tiêm tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden được tiêm sau khi có bài phát biểu về cuộc chiến chống đại dịch. Việc tiêm mũi tăng cường cho Tổng thống do một thành viên của đội y tế Nhà Trắng thực hiện.

Tổng thống Joe Biden đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên bằng vắc xin do Pfrize sản xuất hồi cuối tháng 9/2021.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hoài Linh

Dân Thượng Hải vét sạch siêu thị trước thềm phong tỏa

Dân Thượng Hải vét sạch siêu thị trước thềm phong tỏa

Cư dân Thượng Hải, Trung Quốc hôm nay (30/3) xếp hàng dài trước cửa siêu thị, vét sạch hàng hóa trên các kệ để chuẩn bị cho phong tỏa giai đoạn hai bắt đầu từ 1/4.