Bài đăng gốc được chia sẻ bởi tác giả Marvin Xin Ku trên trang Vice Tiếng Đức. Zing.vn lược dịch lại câu chuyện của tác giả.
Tôi băng trụ và kết liễu thành công xạ thủ của đối phương bằng thanh kiếm to lớn của mình. "Tập trung đẩy đường giữa", tôi hét lớn trong voice chat. Đồng loạt 5 thành viên đẩy tan nát các công trình của kẻ địch, những làn khói xanh bốc lên báo hiệu chiến thắng đang đến gần. Nhưng "đòn tấn công" bất ngờ của mẹ khiến mọi thứ thay đổi.
"Tao rút điện ra rồi", mẹ tôi la lớn từ phía bên ngoài cửa. "Nếu mày còn tiếp tục chơi điện tử, tao sẽ cắt hết dây điện", bà tiếp tục. Tôi không nhúc nhích, bỗng nhận ra rằng mình đã ngồi chơi Dota liên tục 5 tiếng, dù sáng mai có bài kiểm tra lịch sử.
Năm 18 tuổi, tôi là một game thủ. Tôi chơi game lúc rảnh rỗi và cả những giờ trước thi. Tôi chơi game khi vui để tự thưởng cho bản thân và chơi game lúc buồn để trốn tránh những cảm xúc tiêu cực. Nếu tôi thua, tôi sẽ tiếp tục chơi để gỡ gạc và nếu thắng thì chẳng có lý do gì để ngừng lại cả.
Bây giờ, sau 8 năm, tôi tự hỏi khi ấy mình có say mê game quá không. Năm 2018, WHO xem mê game là một chứng bệnh. Tháng 5/2019, danh mục bệnh lý ICD 11 đã được điều chỉnh để thêm mê game vào như chứng rối loạn với những biểu hiện: xa lánh bạn bè và gia đình, bị tụt lại về công việc/học tập, mất ngủ và giảm cân...
Năm 10 tuổi, tôi được mua cho chiếc máy tính bàn chạy windows có màn hình dày như chiếc hộp, loại máy mà vẫn thường bị giật nếu chạm vào vỏ khi để chân chạm đất. Bố mẹ mua cho tôi chiếc máy này nhằm giúp tôi học tập tốt hơn, nhưng không biết rằng tôi vẫn dành phần lớn thời gian để điều binh khiển tướng trong tựa game Đế chế, hay thỉnh thoảng đóng vai anh hùng trong trò Warcaft III.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác "hồi hộp" thuở ấy. Mỗi lần nghe tiếng bước chân bố đi lên cầu thang, tôi liền chuyển tab ra hình nền và giả vờ lật sách vở như đang học hành chăm chỉ lắm. Lúc nào ông ấy cũng đặt tay lên xem máy có nóng không và dường như lúc nào nó cũng còn nóng.
Năm tôi 15, vụ việc một thằng nhóc tuổi teen xả súng giết chết 15 người ở Winnenden (Đức) đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Cả nước tranh cãi về việc chơi game bắn súng góc nhìn thứ nhất gây ra các vụ xả súng. Các cuộc tranh luận ngày càng trở nên gay gắt khi nhiều vụ xả súng hơn xảy ra tại Mỹ. Lúc đó, tôi vẫn xin bố mẹ cuối tuần qua nhà bạn để có thể lén bắn Half-Life cả đêm.
Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa khác đang say sưa rượu chè hoặc thuốc lá tại các bữa tiệc, tôi cùng lũ bạn có cách khác để tận hưởng niềm vui. Chúng tôi dành cả đêm để cùng nhau chiến đấu trong thế giới của Call of Duty hay Counter Strike. Thời gian dường như trôi nhanh hơn, chúng tôi thường chơi từ nửa đêm cho đến nghe gà gáy, chim hót và giật mình nhìn ra đã thấy trời sáng bảnh.
Jakob Florack là bác sĩ tâm thần cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Anh cung cấp dịch vụ tư vấn cai nghiện cho thanh thiếu niên nghiện trò chơi điện tử từ năm 2015. Anh cho rằng trò chơi điện tử là vấn đề lớn, nếu người ta dùng nó như một cách để trốn tránh thực tế.
"Những đứa trẻ thường xuyên bị bắt nạt hay gặp những rắc rối khác ở trường, chúng thường tìm đến game như nơi để trốn tránh thực tại. Ở đó, chúng được là chính mình và được chấp nhận, lại còn không phải bận tâm suy nghĩ về những rắc rối", Florack nói.
Thời niên thiếu, tôi không biết rằng mình kiểm soát các sở thích, hay chúng đang kiểm soát tôi. Có lẽ vì tôi không bao giờ thật sự cảm thấy mình nghiện game, cũng không nghĩ chơi game là điều sai trái. Nhưng tôi biết chắc rằng, chơi game khiến tôi cảm thấy vui vẻ.
Nhưng mẹ tôi thì không thể nhìn nhận sự việc theo cách của tôi được. Có lần bà còn bật khóc khi thấy tôi khoanh chân chăm chú nhìn vào màn hình nhiều giờ liền. Lúc này, khi đã trưởng thành, tôi gọi cho bà ấy và kể về những cảm giác mà mình có khi còn là game thủ khi trẻ. Bà ấy bật cười và bảo: "Cuối cùng mẹ cũng được hiểu cảm giác của con!".
"Mẹ đã nghĩ nó tệ hơn nhiều. Đôi lúc con nhìn chằm chằm vào màn hình và tập trung đến mức không thèm chớp mắt. Mẹ nói chuyện với con nhưng con chẳng thèm bận tâm. Mặt con còn đỏ bừng bừng như vừa 'chơi thuốc'", bà nói với tôi.
Năm tôi 16 tuổi, có lần mẹ mang vào phòng đĩa cam đã được bóc vỏ sẵn đặt trên bàn trong lúc tôi chơi game. Hai giờ sau, đĩa cam vẫn còn nguyên, thậm chí tôi còn chưa chạm vào.
Mẹ tôi bảo rằng khi ấy bà đã đối diện với mâu thuẫn nội tâm sâu sắc: một mặt muốn tôi được tự do và giải trí sau những giờ học căng thẳng, mặt khác lo ngại cho sức khỏe và tương lai của con mình.
Bà ấy không bao giờ cấm tôi qua nhà bạn tụ tập chơi game vào cuối tuần, vì "không muốn con mình là đứa trẻ duy nhất bị mẹ bắt ở nhà". Nhưng đôi lúc mẹ tôi dường như bất lực, bà phải tháo cục mạng và khóa vào tủ. Có lần, mẹ tôi giận giữ ném chìa khóa về phía tôi vì tôi liên tục hét vào mặt bà đến khàn cả cổ.
"Mẹ thường sợ rằng con ghét mẹ'', bà nói với tôi qua điện thoại.
''Thế mẹ có ghét con không?'', tôi hỏi lại.
"Không. Bất kể là như thế nào, mẹ không bao giờ ghét con", bà bảo.
Tôi hỏi rằng liệu bà có nghĩ rằng tôi bị nghiện game không. "Mọi chuyện đã rất nghiêm trọng, mẹ đã nghi con bị phụ thuộc vào game. Nhưng mẹ không tìm đến những nhà trị liệu, vì nghĩ rằng mọi người đều chơi game, theo cách này hoặc cách khác".
Rất nhiều người chơi game, đó là vấn đề. Theo một cuộc khảo sát, 34 triệu người Đức (khoảng 1/3 dân số nước này) có chơi trò chơi điện tử, nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số này chơi quá mức.
Ranh giới nào giữa "sở thích" và "nghiện ngập" đối với trò chơi điện tử? Tôi đã liên lạc với một vài người bạn cũ để hỏi về việc này. Khi còn trẻ, chúng tôi thường sử dụng một phòng chat voice để cùng nhau làm bài tập, sau đó cùng chơi World of Warcaft suốt phần còn lại của buổi tối.
Một người bạn của tôi thú nhận rằng anh từng tỉnh dậy lúc nửa đêm để bật game lên "chiến tiếp". Một anh chàng khác kể rằng từng cảm thấy bị "ra rìa" vì không phải game thủ và chẳng hiểu chúng tôi nói gì với nhau. Ngày nay, hầu hết người chơi game cùng với tôi đều thú nhận rằng họ có vài vấn đề, nhưng chẳng ai nghĩ mình nghiện game cả.
"Trò chơi điện tử là tài sản văn hóa quý giá. Quan trọng là bạn có đang hài lòng với cuộc sống bên ngoài không? Bạn có muốn thay đổi điều gì không?", bác sĩ tâm lý Jakob Florack chia sẻ. Ông cho rằng việc tách biệt rõ ràng giữa "sở thích" và "nghiện ngập" rất quan trọng.
Sẽ thật tuyệt nếu việc chiến thắng giúp bạn phấn khích và những trải nghiệm mới mẻ trong game khiến bạn bất ngờ. Nhưng nếu những chiến thắng trong game không còn mang nhiều ý nghĩa, bạn chỉ chơi game để tránh việc nói chuyện với bố mẹ, trì hoãn công việc và học tập... thì nó thật sự đã trở thành vấn đề.
Việc chơi game trở thành "vấn đề" đôi lúc không phụ thuộc vào thời gian chơi, mà phụ thuộc nhiều hơn vào mục đích. Đôi lúc, mọi người cũng nghiện phim ảnh, nghiện truyện tranh, nghiện nhậu nhẹt... vì muốn dùng chúng để trốn tránh các hiện thực cuộc sống.
Ranh giới giữa sở thích và nghiện đang vô cùng mong manh. Nhiều trò chơi biết cách khéo léo tạo ra các bảng xếp hạng, sự kiện trong khung giờ nhất định hay rương báu vật... khiến người chơi phải có mặt thường xuyên và liên tục trong game. Đây là những "yếu tố ràng buộc tâm lý" và thúc đẩy sự phụ thuộc.
Tôi không nhớ chính xác thời điểm mình bỏ việc chơi game quá mức, không hề có khoảnh khắc "giác ngộ" nào cả. Mọi thứ diễn ra một cách từ từ và bỗng một ngày tôi nhận ra mình không còn chơi game quá nhiều nữa.
Tôi không thi trượt, bố mẹ tôi cũng không đốt máy tính. Đến nay, vẫn có hôm tôi ngồi lỳ 3h đồng hồ liên tục để hóa thân thành kẻ giết quái vật trong The Witcher 3. Đôi lúc tôi còn bật khóc vì một vài khoảnh khắc cảm động trong game.
Mẹ tôi bảo bà nghĩ đôi lúc tôi chơi game chỉ để né tránh bà ấy. Có thể mẹ tôi đã đúng. Nếu có thể, tôi muốn quay trở lại để sửa sai vài việc trong quá khứ. Tôi muốn lấy lại những lời hét của tôi dành cho mẹ, tham dự vào những buổi ăn tối của gia đình mà tôi nhất quyết ngồi lỳ trên phòng.
Nếu cuộc đời cũng có nút "reset" như game thì tốt biết mấy.
Theo Zing