Bài hát đưa danh ca Lệ Thu theo nghiệp diễn có tựa đề “Dang dở” để rồi như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn khi trải qua 3 cuộc hôn nhân và một mối tình đẹp, cuối cùng câu trả lời vẫn là không cùng nhau đi trọn một con đường.
VietNamNet xin trích đăng bài của tác giả, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã viết về ca sĩ Lệ Thu trong cuốn "Thân phận và Hào quang" dưới sự cho phép của đơn vị phát hành Alpha books.
Bài hát đưa danh ca Lệ Thu theo nghiệp diễn có tựa đề “Dang dở” để rồi như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn khi trải qua 3 cuộc hôn nhân và một mối tình đẹp, cuối cùng câu trả lời vẫn là không cùng nhau đi trọn một con đường.
Thế nên cuộc đời đã bù lại cho cô một sự nghiệp không phải ai cũng có được, để rồi 50 năm qua, giọng ca Lệ Thu khi cất lên vẫn luôn gọi được những niềm đồng cảm lớn. Lệ Thu như người kể chuyện tình, hầu hết là những cuộc tình không trọn vẹn, kể đắm say qua nhiều thế hệ. Và kể như độc thoại với chính mình.
Lệ Thu cho rằng cô là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo trong những ca khúc chứ không phải bị chi phối bởi những đổ vỡ đớn đau của cuộc đời. Có thể cô đúng khi tiếng hát Lệ Thu có trước những mất mát riêng tư của chính cô. Và những nỗi buồn bàng bạc ấy đã theo cô từ khi cô cất tiếng hát đầu đời đến hôm nay.
Nhưng người nghe cũng có cái lý của họ khi họ tìm thấy trong giọng hát Lệ Thu, có điều gì đó như ẩn ức, như còn muốn nói một bí mật nào đó dù người hát đã đẩy nỗi đau đến tột cùng trong từng nốt nhạc: Lòng cuồng điên vì nhớ ôi đâu người đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa...
Ca sĩ Lệ Thu thời trẻ |
Sẽ không công bằng nếu đòi hỏi một nữ nghệ sĩ ở độ tuổi thất thập phải hát mãnh lực như Lệ Thu của 50 năm về trước. Tuy nhiên, giọng hát Lệ Thu của hôm nay vẫn là Lệ Thu của những tháng năm xưa, có chăng là những trải nghiệm xót xa của cả một đời nghệ sĩ đã ngấm vào, cho giọng hát đời hơn.
Anh hàng xóm đặc biệt và con đường ca hát
Vẫn có nhiều giai thoại kể lại rằng Lệ Thu là một người nổi tiếng nhút nhát và khờ khạo. Nếu quay ngược thời gian, một cô gái nhút nhát, khờ khạo, lại sinh ra trong một gia đình phong kiến mà lại thành ca sĩ, cũng thật khó hiểu, cô nhỉ?
Tôi cho rằng đó là cái nghiệp. Gia đình tôi, từ ông cậu đến ông anh, chú, bác đều hát hay và tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc họ không có cái nghiệp như tôi. Tôi được theo học đàn piano từ nhỏ, trong máu tôi âm nhạc đã ngấm vào.
Năm 1953, mẹ đưa tôi từ Hải Phòng vào Sài Gòn sinh sống. Ở gần nhà tôi có một ông thầy dạy ghi-ta, tôi có theo học và có hát, hàng xóm cứ xúm lại và khuyến khích tôi đi thi hát. Tôi chối đây đẩy: “Thôi thôi, hát tài tử thì được chứ đi thi thì không”. Tôi hỏi thêm mới biết đi thi còn phải nhìn vào một tấm gương để hát, tôi lại càng thấy mình không nên đi thi nữa vì rất sợ.
Cho đến khi có sinh nhật một người bạn, năm 1960, cả lũ kéo nhau lên phòng trà Bồng Lai, đang ăn uống vui vẻ thì có một đứa bạn bảo: “Ê, Oanh, mày hát cho tụi tao nghe một bài”. Lúc đó tôi chưa chuẩn bị bài gì, lại chưa bao giờ đứng trên sân khấu nên tôi từ chối.
Nhưng bạn bè đẩy quá, tôi lên hát bài Tà áo xanh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (có tên gọi khác là bài Dang dở). Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi có thể hát bài hát đó để mở đầu cho sự nghiệp ca hát của mình.
Ông chủ phòng trà Bồng Lai đến khen: “Em hát được lắm, em có muốn đi hát không?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa không!”. Ông nói: “Em hát hay quá, tại sao không đi trình diễn cho mọi người nghe?” “Dạ không, mẹ cháu không muốn cho cháu đi hát”. Ông ấy thuyết phục: “Em đi hát em vẫn có thể đi học được. Em không phải thức khuya, vì em đến đây hát lúc 9 giờ, 10 giờ em đã về rồi. Một tiếng đó, em có thể nói mẹ em đến nhà bạn học bài”.
Rồi ông đưa ra một số tiền, tôi thực sự choáng. Một cô bé đi uống ly đậu đỏ, một đồng còn phải xé đôi ra, thì có được một số tiền thế này quả là ngoài sức tưởng tượng. Tôi không nhớ là bao nhiêu nữa nhưng đối với nữ sinh lúc đó là cả một vấn đề. Nghĩ tới nghĩ lui, bạn bè ở đó cũng khuyến khích: “Đi đi Oanh, chắc mẹ không biết đâu”.
Như cô nói, thì con đường ca hát của cô được trải thảm đỏ ngay từ đầu. Nhưng thực tế hồi đó để một tên tuổi nổi lên đâu phải dễ, nhất là đang có những cái bóng quá lớn Thái Thanh, Mộc Lan, Hà Thanh, Bạch Yến, Thanh Thúy…?
Đúng là thập niên đó, các bậc đàn chị đình đám lắm. Nhưng hầu hết các chị hát giọng mũi, còn tôi hát giọng alto thật, đầy, rõ nên xuất hiện như một nhân tố lạ. Tôi thành một cô bé đi hia vạn dặm, nhưng cuộc sống vẫn không có nhiều sự thay đổi.
Tôi nhớ những ngày đầu khi trốn mẹ đi hát ở Bồng Lai, vừa hát vừa sợ. Dĩ nhiên, khi mẹ tôi biết được lại là do một anh hàng xóm. Anh vốn rất mê tôi nhưng không được đáp lại tình cảm, thế nên anh ta tố cáo với mẹ.
Mẹ tôi nổi giận đùng đùng nhưng vẫn cố nhẹ nhàng, gọi tôi đến: “Oanh, tại sao con lại làm như thế? Dòng họ nhà mình có ai làm thế đâu. Con không biết xướng ca là vô loài?” Tôi chỉ biết im lặng.
Và mẹ tôi cấm cửa, không cho tôi ra khỏi nhà vào ban đêm. Bốn ngày sau, ông chủ phòng trà Bồng Lai tìm đến thuyết phục mẹ tôi: “Bác ạ, nghề ca hát không phải xướng ca vô loài như hồi xưa. Bác không tin bác cứ đi với em đây lên phòng trà của con. Nếu bác thấy không được, thì cháu thôi không làm phiền bác nữa. Không ai đụng được đến em đâu. Em đứng trên bục em hát hay người ta vỗ tay, hát xong em về”.
Mẹ tôi nghe thấy hay hay thì cũng đi cho biết. Đến nghe, thấy con gái mình hát ca khúc Sayonara được vỗ tay nhiều quá và chả có “vô loài” gì cả, thế cụ cũng đã dần đổi ý. Rồi cụ hỏi: “Thế đi hát thế là… hát chơi à?”. Ông chủ bảo có lương, rồi đưa ra mức lương, cụ ngạc nhiên đến muốn té ngửa.
Nhân cô nói về mẹ, xin được hỏi, khi rời miền Bắc vào Sài Gòn, tại sao lại chỉ là hai mẹ con?
Đó là một câu chuyện dài. Cha tôi trước Cách mạng Tháng Tám làm một chức quan nhỏ ở Hải Phòng. Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền của bà vợ cả, phải chịu đựng đủ điều. Bà bắt mẹ tôi làm đủ thứ việc. Một sân thóc rộng mênh mông, giữa trưa nắng như đổ lửa, mẹ phải phơi, trở thóc, rồi thu dọn, quét sân từ trưa cho đến khi trời xế bóng. Rồi đủ thứ việc, chả bao giờ được nghỉ tay.
Mẹ sinh tám người con, cứ đến 3 tuổi là mất, chỉ duy nhất có tôi là sống. Năm 1953, khi mẹ tôi vào đây, bố tôi nói không đi vì ông tiếc của cải.
Năm 1954, một ngày nọ tôi đi học về, mẹ gọi tôi vào và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Thầy con mất rồi!”. Từ đó mẹ sống lặng lẽ, không đi bước nữa. Và cũng từ đó tôi không hay tin tức gì ngoài đó nữa.
Hai mẹ con tôi sống ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng cũ.
Cuộc sống những ngày đó của mẹ con cô ở vùng đất mới như thế nào, thưa cô?
Cũng không đến nỗi nào, tuy không khá giả nhưng cũng không cơ cực. Dĩ nhiên tôi lại nhớ nhiều chuyện vui lắm. Tôi nhớ lúc 14 tuổi, đã có ngực, mà tôi hồn nhiên đi tắm mưa không mặc áo, cũng không mặc áo ngực.
Hàng xóm hàng phố đổ ra xem. Tôi không biết họ xem cái gì. Mãi sau tôi mới biết họ xem… mình, không biết là mình đang “triển lãm” cho họ xem. “Lộ hàng” mà mình đâu ý thức được.
Từ vụ đó nên anh hàng xóm mới mê cô đấy hả?
Tôi cũng không biết, nhưng hồi đó tôi xinh lắm. Anh hàng xóm nhà giàu, và có kiểu thương tôi khá đặc biệt. Mỗi lần anh ăn xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, lúc trái lê, anh không ăn, cứ để dành cho tôi, nhưng không dám đưa tận tay. Mỗi lần thấy tôi đi qua, anh quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận.
Anh ấy và tôi học khác trường, 4 năm trời anh cứ đạp xe đạp đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi. Mặc dù chúng tôi chưa một lần nắm tay, chưa một lần đi cùng, cũng chưa bao giờ nói thương tôi mà đến bây giờ khi gặp lại, anh nói vẫn còn nhớ tôi. Nghe nói, cuộc sống riêng tư của anh ấy cũng không hạnh phúc lắm.
Ca sĩ Lệ Thu |
Khờ khạo nên mất chồng
Từ một cô bé hồn nhiên tắm mưa để rồi thành ca sĩ nổi tiếng, cuộc đời của cô hẳn thay đổi nhiều lắm?
Mẹ tôi sợ có con gái trong nhà như một trái bom nổ chậm, lại theo ca hát nên mẹ sợ ế, và đặc biệt là sợ sa ngã. Tôi đi hát, có gặp một anh chàng không quân thích tôi, gia đình họ đến đặt vấn đề hỏi cưới, thế là mẹ “tống” tôi đi ngay.
Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não nề về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên anh quyết định bỏ.
Gia đình bên chồng lại là người Huế, anh lại là con cưng. Tôi thì không biết nấu ăn, không biết làm dâu, nên chắc chắn họ sẽ không hài lòng. Cuộc hôn nhân này không có con cái gì.
Tôi bị chồng bỏ mà vui, hí hửng về với mẹ. Mẹ tôi cũng không buồn vì mỗi lần lên thăm con cũng cảm nhận được cái cảnh cơm nguội canh nhạt ấy. Lạ lùng là bị chồng bỏ mà tôi không thấy đau khổ. Có lẽ vì tôi không yêu. Bởi nếu có một tình yêu đúng nghĩa thì bằng mọi cách tôi sẽ giữ lấy hạnh phúc của mình.
Không có tình yêu, dù bị “đuổi cổ” nhưng tôi hớn hở lắm. Sau này khi tôi hiểu ra, tôi biết cách xử sự và hiểu đời một chút, gặp lại, tôi xem anh ấy là bạn bè.
Chia tay chừng 5-7 năm, tôi gặp lại anh ấy một cách tình cờ khi tên tuổi tôi cũng đã nổi lắm rồi. Anh ấy cũng là một người hát rất hay, và cũng có đi hát như một đam mê.
Cuộc hôn nhân đầu tiên không thành như cô nói, là chưa có kinh nghiệm với đàn ông, chưa biết thế nào là yêu. Vậy với cuộc hôn nhân thứ hai thì sao?
Năm 1963 tôi đi bước nữa. Tôi gặp một người từ bên Pháp về đây chơi. Anh ấy ở Pháp từ nhỏ, đã có vợ có con bên đó nhưng về đây thấy tôi thì mê, và bỏ luôn vợ bên đó.
Mãi sau này tôi mới biết chuyện này chứ trước đó, nếu tôi biết anh ấy có vợ con rồi thì chẳng bao giờ tôi đến với anh ấy.
Sau một năm tìm hiểu chúng tôi tổ chức đám cưới. Gọi là rung cảm thực sự thì cũng chưa chắc, nhưng tôi nghĩ phải nên có một gia đình để yên thân yên phận, chẳng lẽ mình cứ đi hát hoài như thế sao?
Rồi hỏi, rồi cưới, rồi dang dở. Có thể người nghệ sĩ được ông trời ban cho thanh sắc, thì hạnh phúc gia đình phải bị trời lấy đi chăng?
Giữ hạnh phúc là do người và mất hạnh phúc cũng là do người đấy chứ, có phải do trời đâu cô!
Tôi từng tính bỏ hát để yên phận cơ mà. Anh ấy không phải là một người đàn ông của gia đình, đúng hơn không phải là người chung thủy. Anh đi chơi rất nhiều mà tôi thì không chịu nổi điều đó và cuối cùng tôi phải bỏ cảnh sống đó dù không cãi vã to tiếng.
7 năm một cuộc hôn nhân như thế, chúng tôi có hai đứa con gái.
Sống với một người chồng lăng nhăng khổ lắm. Sự hào hoa có sẵn, lăng nhăng có thừa, lại ảnh hưởng lối sống Tây hóa nữa, thì thật khủng khiếp đến mức nào. Tôi cứ cắn răng chịu một mình.
Có thể nếu tôi đủ bản lĩnh tôi đã giữ được chồng vì tôi có tiền, có danh, nhưng tôi không biết cách và cũng không muốn giữ. Tôi cũng không làm gì để chồng ghen. Cuộc chia tay không nặng nề nhưng cuộc sống với anh ấy thì nặng nề lắm. Nếu tôi kể ra thì sẽ đụng chạm đến một số người, nên tôi cũng tính sống để bụng chết mang theo mà thôi.
Thì cô cứ chia sẻ, ít nhất là cho mình nhẹ lòng…
Anh ấy dân Tây về, nhảy đẹp, đẹp trai, con nhà giàu, thì nhiều phụ nữ mê cũng bình thường. Tuy nhiên, thấy họ mê, anh ấy cũng… mê lại.
Ca sĩ L. một ca sĩ cùng thời với tôi và rất nổi tiếng, cua chồng tôi. Trong đời tôi ít biết ghen, thế nhưng tôi đã không thể chịu đựng được những gì diễn ra trước mắt, không đơn giản chỉ là những chuyện nam nữ thích nhau bình thường.
Tôi gần như phát điên giữa đêm. Đang đêm tôi phải tung mền xé quần xé áo chạy ra ngoài đường. Hai người giúp việc phải chạy theo trùm mền đưa về nhà. Đó là một cuộc hôn nhân bi thảm.
Ngỡ đã ngọt ngào, vẫn là cay đắng
Sau những cay đắng, hạnh phúc đã mỉm cười với cô khi nên duyên với một nhà báo. Nhưng rồi, cô đã bỏ hạnh phúc này để đi Mỹ, phải không?
Không phải thế. Năm 1969, chúng tôi gặp nhau nhưng đến năm 1974 mới chính thức tổ chức đám cưới tại nhà thờ. Cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, chúng tôi có với nhau một đứa con gái, anh ấy cũng rất yêu thương, lo lắng cho tôi.
Hạnh phúc được thử thách qua những tháng ngày gian khổ, thế nên tôi hoàn toàn yên tâm đó là những gì ngọt ngào có được sau những cay đắng riêng tư. Chúng tôi mất nhau cũng vì lỗi của đàn ông.
Và khốn khổ cho tôi, tôi đi Mỹ thì ngay lập tức đã có một người phụ nữ khác vào nhà tôi sống với chồng tôi. Và lần nữa, tôi vẫn là người khờ khạo.
Nhưng xin lỗi cô, đổ vỡ trong hôn nhân cũng là một lẽ bình thường trong cuộc sống. Nhưng với cô, đổ vỡ nhiều mà vẫn khờ khạo liệu có… bình thường không?
Ở ngoài người ta đồn tôi là người đoan chính không ai đụng đến được tôi nhưng không phải vậy. Thật ra tôi là kẻ khờ khạo, không dám lăng nhăng, không phải vì tôi nổi tiếng nên sợ lăng nhăng thì người ta bêu riếu mình đâu.
Tôi không hề lãnh cảm, mà là khờ. Đến giờ, tôi chưa giải thích được sự khờ khạo đó.
Tôi cũng có một cuộc tình rất thắm thiết. Năm 1988 tôi gặp người đó, tôi mới biết rung động thật sự là gì, tình yêu đúng nghĩa là gì, nhưng tôi vẫn khờ khạo không giữ được tình yêu của mình.
Và từ đó tôi cũng chẳng yêu ai được nữa. Tính tôi vốn nhát và không bao giờ đi tán tỉnh hay giành giật đàn ông dù tôi có thích họ hoặc ước gì họ là người yêu của mình.
Cay đắng thế, sau này cô gặp lại những người đàn ông này, có thành bạn bè như người chồng đầu tiên? Họ bây giờ ra sao?
Cả ba người đàn ông đó giờ còn sống, kể cả anh hàng xóm si tình năm ấy, có người ở Mỹ, có người còn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn là bạn và vẫn thăm nhau nếu có dịp.
Riêng người chồng thứ hai thì ở Việt Nam, về Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh ấy. Và tôi đã hóa giải hết mọi chuyện trong quá khứ rồi. Những người làm tôi đau, thậm chí kẻ thù, tôi đều hóa giải để làm bạn.
Cái tính của tôi vốn vậy, vì có nuốt hận thù chỉ làm khổ mình thôi. Những người nào đi qua đời mình hay những gì mình trải qua đều là duyên, đều là ngộ. Những gì mình khổ, hay nó vướng bận vào đời mình và cuộc sống của mình, đều là nợ nhau cả và mình phải trả. Trả hết thì thôi.
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!