Huyền Trang tên đầy đủ là Bùi Huyền Trang, sinh năm 2003 tại Thái Bình. Cô từng đoạt các giải thưởng: Top 6 cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca nhí 2017, lọt vào Chung kết cuộc thi Sao Mai khu vực miền Bắc 2022, Giải Đặc biệt cuộc Kyushu Music Concours Competition 2023 tại Nhật Bản, Giải Nhì Giọng hát trẻ Thanh âm Hà Nội 2023, Giải Nhì Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc năm 2023.
- Năm 2023, Huyền Trang giành giải Nhì ở bảng A cuộc thi Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc, thành tích này có ý nghĩa như thế nào với chị?
Đây là cuộc thi rất uy tín mà các ca sĩ trẻ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam muốn thử sức. Giải thưởng là động lực để tôi nỗ lực hơn trong con đường học tập và làm nghề. Nó giúp tôi củng cố thêm niềm tin, việc lựa chọn thính phòng là hoàn toàn sáng suốt.
Thêm vào đó, tham gia cuộc thi khiến tôi học được rất nhiều điều, đặc biệt được cô Lan Anh (ca sĩ Lan Anh - PV) hướng dẫn tận tình.
Đến với cuộc thi, bên cạnh việc học hỏi, tôi muốn có một thành tích cho mình nên hai cô trò đều tâm huyết và cố gắng. Kết quả vượt quá sự mong đợi của tôi. Chắc thiếu một chút may mắn nữa là chạm tay tới giải Nhất.
Quá trình tham gia cuộc thi, thời tiết rất khắc nghiệt. Hầu hết 90% thí sinh bị sốt xuất huyết, ốm nhưng riêng tôi may mắn vẫn khoẻ.
Trước khi tham gia Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc, tôi cũng tranh tài ở vài nơi. Khi đăng ký thi cuộc thi này, có người hỏi: “Trang thi như thế có nhiều quá không?”. Mọi người đều mong chờ xem tôi sẽ thể hiện như thế nào, có khác biệt gì hay lại thường thường như cuộc thi khác, chỉ hát nhạc Việt.
Thế nên khi hát opera, tôi muốn thể hiện tốt để không phụ sự kỳ vọng của cô Lan Anh cũng như có câu trả lời cho mọi người thấy, mình cũng đa-zi-năng, hát được cả nhạc kịch chứ không chỉ mỗi nhạc Việt.
Khi thi Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc, cô Lan Anh toàn chọn cho tôi bài từ 15 mặt giấy trở lên, bài tốt nghiệp năm 2023 là 25 mặt. Vì thế, bây giờ hát bài nào 5 - 6 mặt tôi lại thấy đơn giản quá. Tôi thích thử thách bản thân để có động lực tiến bộ.
- Tin rằng việc lựa chọn thính phòng là hoàn toàn sáng suốt, có nghĩa, trước kia chị từng lăn tăn chọn theo đuổi con đường này?
Nhà tôi không có ai theo nghệ thuật. Tuy nhiên, mẹ tôi rất thích hát. Mơ ước của mẹ ngày nhỏ là được làm ca sĩ. Nhưng gia đình không có điều kiện nên khi tôi ra đời, mẹ mong con gái thực hiện ước mơ dang dở đó. Mẹ bảo chỉ cần thấy tôi đứng trên sân khấu là cảm giác như mình cũng đang biểu diễn vậy.
Quê tôi ở Thái Bình nên mọi người thường khuyên cho đi học hát chèo, hát chầu văn, theo dòng nhạc truyền thống. Nhưng mẹ có suy nghĩ hiện đại là muốn con học nhạc trẻ.
Sau khi tham gia vài khoá học ở các trung tâm, thầy cô hướng tôi theo nhạc trữ tình và nhạc đỏ để thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Lúc ôn bài, thầy Hoàng Anh Thái hướng dẫn tôi hát Cô gái vót chông. Hát xong tôi khóc luôn. Tôi nói với mẹ không thể theo dòng nhạc “già” như thế, dòng nhạc chỉ có ông bà thích nghe.
Thế nhưng, sau khi học vài buổi nữa, tôi hát bài đó ở hội làng được mọi người khen. Từ đó tôi có cái nhìn khác về dòng nhạc truyền thống. Tôi có động lực và hứng thú hơn, về nhà suốt ngày mở bài Cô gái vót chông do cô Lan Anh hát. Tôi cũng xem vài vở nhạc kịch nước ngoài, dù chưa hiểu hết nhưng thấy rất cuốn hút.
Khi được tiếp xúc với môi trường âm nhạc một cách trực tiếp, được tham gia biểu diễn… tôi nhận thấy mình quá may mắn vì tìm đúng môi trường để thỏa sức vẫy vùng.
Tôi thấy rằng, khi hát được nhạc kịch và thính phòng thì hát dòng nhạc khác cũng dễ hơn. Nếu theo nhạc trẻ khó hát được thính phòng. Khi ca sĩ hát được đa dạng dòng nhạc sẽ nhiều cơ hội biểu diễn.
- Giành giải Nhì Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc có giúp cát-sê biểu diễn của chị tăng lên?
Hiện tại, tôi có thể tự trang trải được cuộc sống và lo một phần cho em trai kém 10 tuổi đang học lớp 5. Sau cuộc thi Sao Mai, nhiều người giới thiệu show, 18 tuổi tôi tự kiếm tiền, bố mẹ không phải chu cấp. Ngoài đi diễn, tôi còn làm gia sư dạy nhạc. Cứ kiếm được đồng nào lại gửi hết về cho mẹ vì tôi không biết quản lý tiền. Mẹ chỉ giữ hộ chứ không đụng gì đến số tiền đó cả. Cần tiêu gì mẹ lại chuyển cho tôi.
Nhiều bạn bè cùng trang lứa cứ mải mê kiếm tiền, sau đó thi lại, học lại… Tôi thì phải cố gắng học tập, vượt qua các môn rồi mới tính tới chuyện đi diễn. Đi diễn và việc học buộc phải cân bằng, tất nhiên ưu tiên cho học tập.
Định hướng của tôi sau này sẽ làm công tác giảng dạy nên quá trình làm gia sư vừa giúp kiếm thêm thu nhập và cả kinh nghiệm.
- Ca sĩ trẻ đi biểu diễn có nhiều cám dỗ?
Chắc chắn là có rồi! Nhiều tình huống mà đối phương thực sự rất khéo, tất nhiên mình cũng có chút rung động. Nghệ sĩ mà, rung động chút thôi xong vẫn phải là chính mình.
Có người không chỉ chăm sóc, yêu chiều tôi mà mới gặp đã nhã ý tặng 15.000 USD. Tất nhiên tôi từ chối. Tôi nghĩ rằng, những thứ mình làm ra mới thực sự bền vững, còn họ cho rồi vẫn có thể lấy lại. Xa nhà tự lập từ sớm nên gia đình tôi cũng dạy con cái rất kỹ, không để tôi thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Vậy nên, tôi tự hào những thứ hiện có đều nhờ sự cố gắng và nỗ lực của bản thân.
- Chị vượt qua cám dỗ như thế nào?
Tôi luôn có cách từ chối khéo léo. Người ta quý mình sẽ hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau chứ không phải đưa tiền cho rồi có điều kiện đi kèm. Đó là đổi chác chứ không hoàn toàn yêu quý nhau.
Thật ra vật chất, tiền bạc ai cũng thích. Nhưng mình phải nghĩ cho sau này. Tôi luôn nhắc nhở bản thân không thể bị ảnh hưởng bới những cám dỗ hiện tại mà đánh mất tương lai.
Trong nhà, mẹ là người nghiêm khắc, bố dễ tính. Mẹ nghiêm nên rèn cho hai chị em tính kỷ luật rất cao, ốm vẫn phải đi học, đã học phải chăm chỉ. Do đó, từ hồi còn học phổ thông đến khi học trung cấp thanh nhạc và giờ là đại học năm thứ 3 Học Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành tích của tôi lúc nào cũng nổi bật.
Ca sĩ Huyền Trang thể hiện bài 'Du xuân':