Nghệ sĩ xiếc Hải Đăng (tên thật là Nguyễn Thế Liêm, còn có biệt danh Liêm “Gấu”) sinh năm 1985, hiện đang công tác tại Đoàn Xiếc TP.HCM. Anh hoạt động 16 năm ở mảng xiếc thú.

{keywords}
Nghệ sĩ xiếc thú Hải Đăng diễn với gấu.

Xiếc mà không nguy hiểm thì ai xem

- Anh thường diễn với những loài vật nào? Mỗi loài vật với tính cách, tập tính khác nhau, người nghệ sĩ xiếc thú phải làm sao để huấn luyện chúng?

Tôi diễn được với rất nhiều loài thú, từ những loài hiền lành đến thú dữ. Vì thế, tôi hiểu được đặc thù của từng loài như thế nào. Xiếc thú là việc huấn luyện thú, tập cho chúng hình thành phản xạ có điều kiện, để khi người diễn ra hiệu lệnh chúng phải làm theo.

Mỗi loài vật có cách huấn luyện khác nhau. Những loài như chó, mèo, dê… phải dùng mồi ngon để kích thích hoặc âu yếm, vuốt ve chúng. Người diễn ban đầu cho chúng phần thưởng để chúng làm theo, dần dần sẽ hình thành phản xạ có điều kiện. Trong đàn thú của mình, tôi phải hiểu tính cách từng con, đứa nghịch ngợm, đứa hay giận hờn… Có như thế, tôi mới hướng chúng đi đúng quỹ đạo để đạt được mục đích của mình.

Với thú dữ, người diễn phải dạy theo kiểu khác. Tôi âu yếm, mềm mỏng khi dạy chó, mèo, dê… nhưng dạy trăn, gấu và cá sấu phải nghiêm khắc hơn. Đặc biệt với cá sấu, người diễn cần cực kỳ tự tin, dũng cảm.

- Thú bản chất vẫn là loài hoang dã, khó thuần, hẳn phải có rủi ro trong tập luyện và trình diễn?

Tất nhiên tỷ lệ rủi ro rất cao nhưng tôi không lao vào thí mạng. Tôi quan niệm diễn gì thì diễn, nghệ sĩ xiếc phải đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu.

Làm việc với thú dữ, tôi phải biết khi nào chúng an toàn để diễn chứ không khi nào tôi chấp nhận diễn với tỷ lệ rủi ro quá cao cho một tiết mục. Ngoài chuyên môn, người diễn phải giàu kinh nghiệm, như tôi đi diễn 16 năm mới được làm những tiết mục ấy. Các bạn diễn viên trẻ có muốn làm, đoàn cũng không cho.

Diễn với thú dữ tôi biết nguy hiểm chứ nhưng xiếc mà không nguy hiểm thì ai xem! Nếu ai cũng sợ, không có người đủ yêu nghề, đam mê nghề lấy ai biểu diễn đây?...

Thú thật, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi, xác định luôn nếu có lỡ không may mình phải chấp nhận. Bảo hiểm có đoàn lo, thương tật mình tự chịu. Chuẩn bị xong cả rồi, mình theo nghề này xác định xả thân nhưng phải đặt sự an toàn lên trên hết. Nói đơn giản, nếu tôi thấy không an toàn thì không làm. Hôm nay không diễn được buổi sau làm, đừng cố.

Bị 3 con trăn siết đến ngừng thở 

-  Kỷ niệm nào nhớ đời với anh?

Cá sấu là loài mà nếu bạn gặp tai nạn với chúng không có “lần sau” cho bạn nữa. Bị cá sấu táp trúng, nhẹ nhất là gãy tay, gãy chân đã đủ cho bạn bỏ nghề. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể tự hình dung. Vì thế, bạn hỏi “kỷ niệm” với cá sấu không tôi xin thưa rằng mình may mắn chưa có. Dù vậy, trong quá trình tập với cá sấu cũng hết sức vật vã.

Tôi bị tai nạn với các loài trăn, gấu nhiều. Chúng là thú hoang, có dạy thế nào cũng không hoàn toàn thuần tính được. Có điều, trăn không nguy hiểm như cá sấu. Trăn không có độc, bị chúng cắn cùng lắm chỉ chảy máu thôi. Tôi sợ bị trăn siết hơn nhưng đã có đồng nghiệp quanh mình rồi, rủi có gì mọi người đến gỡ chúng ra. Hồi xưa, tôi thường xuyên bị trăn siết.

Lần nhớ đời vào khoảng 5 – 6 năm trước, tôi biểu diễn ở Trung tâm văn hóa huyện Hóc Môn. Đêm trước đó, tôi có bia rượu một chút với vài người bạn thân lâu ngày không gặp. Vì mùi lạ trên cơ thể mà hôm sau, tôi bị 3 con trăn siết cùng lúc khi đang khoác chúng trên người. Thật ra, nếu 1 – 2 con thì tôi vẫn thủ thế để chúng không siết được mình; chứ tận 3 con tôi chỉ còn nước chịu trận.

Khi đó, tôi còn chưa kịp cúi chào để vào cánh gà chúng đã siết cho ngừng thở tại chỗ. Dù anh em đã lao vào gỡ trăn ra nhưng tôi đã ngừng thở khoảng 2 – 3 phút, bất tỉnh nhân sự, mất một lúc sau mới tỉnh lại. Bạn thấy đấy, trăn cần đến 3 – 4 người đàn ông trưởng thành mới gỡ ra được. Đó là bài học nhớ đời. Từ đó về sau, nếu lên sân khấu, tôi không bao giờ bia rượu trước đó nữa, tuyệt đối tránh tạo mùi lạ trên cơ thể vì chúng là thú hoang, phải quen mùi mới nhận ra mình.

Ngoài ra, động vật hoang dã sẽ không hợp tác với người diễn trong mùa chúng cần giao phối, sinh sản hoặc do vấn đề thời tiết. Khi thấy chúng có biểu hiện bất thường, người diễn phải cẩn trọng hơn trong từng động tác, hiệu lệnh cũng cần cực kỳ chuẩn xác.

{keywords}
Hải Đăng bên chú gấu - bạn diễn của mình.

Ca sĩ hát một bài mấy chục triệu, dân xiếc lương tháng vài triệu

- Danh tiếng của nghệ sĩ xiếc thường không đi đôi với thâm niên, cống hiến và tài năng của họ, anh có quan tâm?

Tôi rất hiểu câu chuyện này. Xiếc không phải một ngành nghề hot để báo chí truyền thông đưa tin nhiều, khán giả cũng không quan tâm bằng các môn nghệ thuật khác, đó là sự thật. Chúng tôi đã đam mê, chấp nhận nguy hiểm để theo nghề không được phép so sánh.

Diễn viên xiếc, không kể xiếc thú hay người, ngoài tố chất sẵn có việc tập luyện rất cực khổ. Ca sĩ, diễn viên dĩ nhiên có tài năng riêng nhưng họ tập bài chắc chắn không khổ bằng xiếc.

Ở mảng của mình, tôi tập xiếc trăn nhanh nhất cũng mất 6 tháng. Còn tiết mục khó như xiếc khỉ, gấu, cá sấu… phải tập với chúng từ nhỏ rất công phu, mất 2 năm mới ra bài.

- Khỉ là loài vật thông minh hơn trăn sao phải tập bài lâu thế, thưa anh?

Do động tác của khỉ với trăn trên sân khấu khác nhau! Trăn có phải làm gì đâu ngoài quấn lên người diễn. Chúng không cắn, không siết đã là thành bài. Động tác của chúng rất đơn giản là bò trườn bản năng theo hiệu lệnh hướng dẫn của người diễn.

Trong khi đó, các loài gấu, khỉ phải làm nhiều trò đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Chẳng hạn, chúng có thể trồng cây chuối bằng hai tay, đứng thăng bằng trên con lăn – những động tác ngay cả người chưa chắc làm được. Khỉ còn có thể lái xe đạp, xe máy… Chúng phải làm được như thế mới thu hút khán giả. Kỹ thuật và yêu cầu càng cao, thời gian tập sẽ càng lâu.

Không kiếm thêm show bên ngoài  thì... 'chết đói'

- Xiếc thú nguy hiểm như thế, đồng nghĩa cát-xê phải tương xứng. Anh làm nghề đủ nuôi gia đình không?

Xiếc thú dữ đúng là chi phí cao hơn. Tiết mục khó, không phải ai cũng làm được mình mới có show đó chứ. Một tiết mục mà ai cũng làm được thì làm sao gọi là khó. Tôi thấy chi phí cao cũng hợp lý vì chúng tôi đương đầu với nguy hiểm, rủi ro khi trình diễn. Tuy nhiên, không phải xiếc thú nào cũng nguy hiểm. Chó mèo, cừu, dê,… chúng an toàn thôi.

Lương chúng tôi thấp lắm, nhiều lúc phát nản đấy! Cũng hoạt động nghệ thuật nhưng ca sĩ hát một bài đã kiếm vài chục triệu chứ dân xiếc chúng tôi làm cả tháng mới lĩnh lương 5 - 6 triệu, không kiếm thêm show bên ngoài chỉ có nước... ''chết đói''.

Mấy năm gần đây, tình hình khả quan hơn khi chúng tôi có nhiều show ngoài. Người diễn viên phải xông xáo kiếm show ngoài mới đủ thu nhập nuôi gia đình chứ chỉ dựa vào lương Nhà nước thì không đủ.

- Dự tính và mong muốn tương lai của anh?

Tôi giờ cũng 36 tuổi. Các bạn mảng xiếc người cùng tuổi tôi đã không còn đủ khả năng làm những động tác quá khó. Chọn theo nghề này, chúng tôi có lẽ đều đã suy nghĩ cho đường dài. Xiếc thú, trừ xiếc trăn và cá sấu, thì không tốn quá nhiều sức. Sau này, với những tiết mục khó, tôi có thể nhờ những đồng nghiệp hoặc các em kế nghiệp mình hỗ trợ.

Về đường dài, tôi có thể phát triển sang vị trí người huấn luyện, đào tạo, quản lý hoặc làm việc ở các mảng không liên quan đến biểu diễn, không bào sức nữa. Trong một đoàn có rất nhiều công việc chứ không phải chỉ có diễn viên.

Tôi có nhiều mong muốn nhưng đã là nghệ sĩ, không riêng gì xiếc, đều mong được khán giả yêu thích, quý mến. Chúng tôi làm công việc này vì yêu nghề nhưng nếu được khán giả quan tâm sẽ có giá trị hơn.

Tôi từng thấy bạn mình bỏ nghề vô số. Nói một cách thực dụng, nếu nghề không nuôi sống nổi bản thân và gia đình họ bỏ thôi. Thỉnh thoảng, họ quay lại tham gia vài show nhỏ lẻ với bạn bè vì yêu nghề. Đó là vì sao tôi nói nếu chỉ nhận lương Nhà nước thì không sống nổi đâu. Cho nên, tôi mong khán giả sẽ quan tâm xiếc hơn để chúng tôi được tiếp tục cống hiến và sống với nghề.

Trà My (sinh năm 1992, Bắc Kạn), là diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam của Đoàn Xiếc TP.HCM. Ban đầu, cô học ngành Báo chí nhưng có bác ruột làm trong đoàn xiếc. Tiếp xúc với xiếc một thời gian, Trà My đam mê nên bỏ học theo nghề, đến nay được 7 năm.
Ở đoàn, Trà My có thể vừa xiếc người (đu vòng, patin, lăn vòng, dây da...), vừa xiếc thú với chó. Cô nuôi 4 chú chó, huấn luyện để chúng trở thành bạn đồng hành trong nghề, mỗi chú đảm nhận một trò: làm toán, nhảy vòng, đi hai chân và lăn ống. Mỗi tiết mục, Trà My đem cả 4 chú chó lên sân khấu trình diễn.
Trà My nói, cô chọn xiếc chó vì sợ thú dữ nhưng nguyên nhân chính là cô yêu chó của mình. Theo diễn viên, các chú chó rất ngoan, biết nghe lời trừ mùa động dục. Có lần, cô rơi vào cảnh bẽ bàng khi các chú chó lên sân khấu mà mải tìm bạn tình, không nghe hiệu lệnh của chủ. Dù vậy, Trà My không triệt sản các chú chó vì sợ chúng kém thông minh đi.
{keywords}
Diễn viên xiếc chó Trà My.

Gia Bảo

Bài 4: Nhìn diễn viên xiếc mổ gà, làm thạch tôi rớt nước mắt

Đời diễn viên xiếc: Bao người từng bị trăn cắn, gấu tát, khỉ cào

Đời diễn viên xiếc: Bao người từng bị trăn cắn, gấu tát, khỉ cào

Dù là diễn xiếc với động vật hoang dã hay với động vật thuần như chó, mèo, lợn...thì với các diễn viên, vẫn còn trăm thứ phải lo và họ vẫn đang phải 'quẫy mình' để sống.