Càng xa Việt Nam, tôi càng yêu văn hoá truyền thống
- Điều gì trong phong cách âm nhạc của KHÁNH (nghệ danh cũ K-ICM) khiến chị ấn tượng và quyết định hợp tác khi quay lại Việt Nam sau 4 năm?
Do yêu thích ca khúc, KHÁNH đã ngỏ lời mời từ lâu – khi tôi còn đang học về âm nhạc tại Pháp. Sau nhiều lần "hụt" nhau vì khoảng cách địa lý và thời gian, công việc bận bịu, chúng tôi đã có cơ hội ngồi lại và cho ra đời sản phẩm.
Khi hợp tác với một nghệ sĩ, tôi không chỉ quan tâm tới âm nhạc mà cả yếu tố con người và thái độ làm việc. Trước đó, tôi không hiểu về KHÁNH quá nhiều nên đã dành thời gian nghiên cứu thêm về âm nhạc của bạn ấy. Tôi thích cách bạn “cháy”, phiêu nhất là lúc chơi live bằng cả cơ thể. KHÁNH tạo cho tôi một ấn tượng rất tốt với tài năng, đam mê, sự cầu thị, luôn muốn học hỏi lắng nghe.
Một lý do khác là càng sống xa Việt Nam, tôi càng yêu văn hoá truyền thống Việt. Bản thân tôi cũng đang làm dự án indie jazz hip hop kết hợp nhạc truyền thống nên rất muốn hỗ trợ những bạn trẻ say mê với âm hưởng ngũ cung theo một hơi thở mới, hiện đại.
- 'Hỡi người nơi đâu' mang phong cách dân gian đương đại. Đây là phong cách quen thuộc của K-ICM nhưng dường như khá mới mẻ với Đồng Lan. Chị có phải thay đổi mình để thích hợp với cậu ấy?
Sống và học tập ở nước ngoài tác động lên thế giới quan của tôi. Tôi thích nhạc có tiết tấu nhiều hơn trước, nghe nhiều thể loại khác nhau nên rất dễ dàng hát nhạc của KHÁNH. Tôi hoà vào âm nhạc của bạn theo cách của tôi - thật thà, là chính mình, không phải bẻ cong mình đi mà muốn giọng hát như dòng nước, uốn éo vào mọi ngóc ngách. Nước mạnh lắm, cứ uốn lượn mềm mại thế mà đá núi phải mòn. Cứ thế 2 cá tính hoà vào nhau, không hề có sự kháng cự. Không sợ đánh mất mình mà cảm giác đang khoác một chiếc áo mới tươi tắn, năng lượng.
- Trong MV lần này, lần đầu tiên chị nhảy hip-hop, điều này chắc hẳn mang đến cho chị những khó khăn không nhỏ?
Tôi chưa nhảy hip hop bao giờ nên thú thật đã khá hốt hoảng khi xem bài dựng. Lúc đó tôi nghĩ: Chỉ có 3 ngày tập, mình làm sao tải nổi hết vì các động tác cần phải vừa tinh tế, vừa duyên dáng một cách khoẻ mạnh. Trước đó tôi có biết chút tango, salsa, swing và hay nhảy ngẫu hứng nên chân tay lúc đầu cứ lèo khoèo, tự tập tự xem lại mà lòng buồn lắm. May mắn là tôi được ê-kíp cũng như cô giáo động viên, hướng dẫn. Sau tất cả, tôi hài lòng bởi mình đã cố gắng bằng cả trái tim.
- Chị có sợ rằng việc hợp tác với KHÁNH (K-ICM) sẽ khiến mình mất đi màu sắc và cá tính vốn có?
Khi một lòng yêu âm nhạc, rộng mở với mọi vẻ đẹp của nghệ thuật, tôi muốn "ăn" liên tục những "thức ăn" mới để ngấm và phát tiết ra ngoài một cách tự nhiên. Khi một lòng thật thà với bản thân và khán giả, nghệ sĩ có gì phải sợ!
Tôi luôn quan niệm sẽ luôn có nhiều luồng tần số khác nhau, ai cùng tần số sẽ thích, nếu ai đó không hợp cũng không có gì phải buồn. Mình cứ là mình, không cần vay mượn hay cố gắng thể hiện bản thân khác đi. Cứ tự nhiên, thả lỏng mà hoà nhập và bơi lội trong "mọi vùng nước mới".
Đừng nhân danh tình yêu để chiếm hữu, ghen tuông
- 2 năm học nhạc tại Pháp và 2 năm sống, lưu diễn tại Mỹ khiến phong cách âm nhạc của Đồng Lan thay đổi như thế nào so với trước đó?
Tôi vẫn hay nói vui: Sau khoảng 4 năm sống ở Pháp và Mỹ, trong âm nhạc của tôi có mùi nước mắm đậm đà quê nhà Việt Nam pha thêm rượu vang Pháp và mùi thơm của steak nóng hổi của Mỹ.
Tôi nghe nhiều thể loại âm nhạc hơn. Nếu như trước kia, tôi thường thích hát những ca khúc giàu có, sâu lắng về giai điệu thì bây giờ tôi thích tiết tấu sinh động của nhạc Mỹ, cách hát như thì thầm yêu nhau của nhạc Pháp và luôn mong muốn kết hợp những giai điệu truyền thống Việt với tiết tấu hiện đại.
- Chị có tiếc nuối khi 4 năm không sống tại Việt Nam khiến chị phần nào bị một số khán giả quên lãng?
Tôi chưa bao giờ tiếc nuối trước mọi quyết định của cuộc đời. Dù phải trải qua nhiều khó khăn ở nước ngoài, tôi luôn chấp nhận chúng như những bài học. Nếu ở lại Việt Nam, 4 năm đó cuộc sống của tôi có thể sẽ cứ yên ả trôi, ngược lại tôi sẽ không chạm được tới giới hạn của mình.
Nếu cứ an toàn làm điều cũ kỹ, không phải cũng là sự phụ công mong đợi khán giả? Tôi không sợ mọi người quên, tôi chỉ sợ tôi làm chính mình và khán giả chán vì sự cũ kỹ của bản thân.
- Cùng với đó, quan điểm về tình yêu của chị có thay đổi sau nhiều năm sống tại nước ngoài?
Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến nên dù có phóng khoáng, phá cách cũng vẫn là sự vùng vẫy muốn thoát khỏi những định kiến. Phụ nữ chúng ta có thể vui và tin rằng nay đã khác, rằng các anh đã biết yêu thương và nâng niu phụ nữ hơn. Nhưng sự tôn trọng nâng niu phụ nữ của đàn ông một cách tự nhiên, tức là không cần phải cố gắng để mở cửa, để khen người yêu đẹp... thì có lẽ chưa nhiều.
Đó là khi người đàn ông ngấm vào hơi thở tự sâu trong tư duy rằng nàng ấy làm gì cũng đẹp, chỉ cần nàng ấy vui, thậm chí nếu nàng có hẹn hò với người đàn ông khác chàng cũng vui cho nàng. Có thể chia sẻ mọi chuyện ngay cả mình có cảm xúc hay rắc rối với người yêu khác để cùng đưa lời khuyên tìm giải pháp mà không phải đối phó nghi ngại.
Tôi đã thực sự được sống như thế tại Paris, không phải tự nhiên cuộc hôn nhân kỳ lạ của hai nhà triết gia Pháp Jean-Paul Sartre - Simone de Beauvoir lại được ngưỡng mộ và bà được coi là một trong số những nhà tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp.
Yêu là mong nhau hạnh phúc, không phải nhân danh tình yêu mà chiếm hữu, ghen tuông. Chú chim tự do của tình yêu sẽ tự nguyện ở lại bên cạnh nơi nào nó thấy thoải mái nhất, được yêu thương, được là chính mình nhất. Hiện tại tôi quan niệm như vậy.
- Ở tuổi ngoài 30, chị dường như tôn thờ sự tự do? Chị có nghĩ mình sẽ không lập gia đình và sống với thế giới ngao du của riêng mình?
Có những lúc tôi cảm nhận rất rõ hormon đòi hỏi thiên chức làm mẹ, nhất là thời gian tôi bị ốm 2 tuần, sống một mình trong chùa tôi thực sự thèm có cảm giác gia đình bên cạnh, sẵn sàng bận bịu chăm sóc con cái, dựa vào nhau đi qua hết đời sống này. Tôi thuận theo tự nhiên, cái gì tới sẽ tới, mình chỉ cần mở lòng đón nhận.
MV 'Hỡi người nơi đâu' của Đồng Lan và KHÁNH
Lâm Anh