Cà phê Việt Nam liên tục thu về những kỷ lục lịch sử cả về giá và kim ngạch xuất khẩu. Trong nửa đầu năm nay, loại hạt này đã giúp Việt Nam thu về gần 3,2 tỷ USD, tăng mạnh 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu cà phê chủ lực của nước ta. Song, cà phê Việt đang đứng trước “rào cản” EUDR của thị trường này. Bởi, EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) không có nguồn gốc từ đất do phá rừng hoặc góp phần vào suy thoái rừng tính từ thời điểm 30/12/2020. Quy định mới này có có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.

Thế nên, cà phê của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám…

"Quy định khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024, các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng", Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

W-ca phe (3).jpg
Ngành cà phê đang số hóa dữ liệu vùng trồng để đáp ứng quy định mới của thị trường. Ảnh: Nguyễn Huế

Để đáp ứng EUDR và khai thác thêm phân khúc thị trường mới trong và ngoài nước, ngành cà phê Đắk Lắk đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sản xuất cà phê bền vững. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai kế hoạch, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất cà phê bền vững; lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hàng năm về tình hình tái canh và cải tạo giống cà phê.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn tất cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, thiết lập vùng trồng cà phê trên địa bàn phải tuân thủ quy định nhằm đảm bảo uy tín của nông sản địa phương, mở ra cơ hội cho ngành hàng cà phê.

Mới đây, Công ty Simexco Đắk Lắk được trao chứng nhận về 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR với tổng gần 8.000 nông dân, diện tích 9.500ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, cho rằng, hiện có nhiều rào cản từ những thị trường nhập khẩu, gần đây là EUDR. Doanh nghiệp này đang phối hợp cùng các địa phương kiểm tra việc tuân thủ EUDR của vùng trồng với diện tích 100.000ha, năng suất 300.000 tấn/năm của gần 80.000 nông dân.

Bà Trần Quỳnh Chi - Giám đốc vùng Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH) cho biết, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cà phê nói riêng đã có nền tảng hợp tác đa bên để thúc đẩy phát triển bền vững trong nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, sự ra đời của quy định EUDR sẽ là một cú hích để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và nhà mua như không phá rừng, phát thải thấp và sinh kế nông hộ.

Bà nhận định, EUDR đặt ra thách thức cho ngành cà phê trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết để duy trì và thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu và Việt Nam chỉ còn vài tháng để xây dựng hệ thống này.

Theo đó, IDH đưa ra một loạt giải pháp như hợp tác với Bộ NN-PTNT và các tỉnh để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu định vị GPS cho các vườn trồng cà phê. Hệ thống này sử dụng ảnh vệ tinh và bản đồ quy hoạch để đánh giá và cập nhật tình trạng rừng, đồng thời thực hiện thử nghiệm trên 10 huyện tại các tỉnh Tây Nguyên.

IDH cung cấp giải pháp gắn định vị GPS cho các vườn trồng và xây dựng các điểm định vị góc (polygon) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng vườn trồng, tích hợp dữ liệu địa chính và số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, hệ thống thông tin vùng trồng được thiết kế theo hướng mở, cho phép các doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng dữ liệu.

Đại diện của IDH cũng đề xuất đưa cơ sở dữ liệu này vào Bộ NN-PTNT để tích hợp với các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại của bộ. 

Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), thông tin, Nhóm PPP ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt, Néstle và JDE đồng chủ trì làm đầu mối đã và đang triển khai các hoạt động thích ứng EUDR. 

Từ tháng 1-7/2024, triển khai giải pháp thí điểm đáp ứng yêu cầu của EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tháng 2/2024, thành lập liên minh công tư nhằm chia sẻ và bảo mật thông tin, dữ liệu về xây dựng hệ thống rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng, dự kiến mở rộng sang Gia Lai, ông cho hay.

Hà Giang