Theo đó, bệnh nhân N.T.T.T (nữ, 39 tuổi, Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhập viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu đêm ngày 8/1 trong tình trạng đa chấn thương ở ngực và bụng, sốc nặng, tinh thần lơ mơ, toàn thân tím tái, huyết áp thấp, mạch ngoại vi không bắt được, nghi ngờ tổn thương tim. Bệnh nhân tiên lượng nguy kịch,
Được biết, bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, vùng ngực bầm dập, ngừng tim, được cấp cứu 115 thực hiện sơ cứu ngừng tuần hoàn, hồi sức tim trước khi chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi tiến hành mở màng tim tối thiểu tại giường cho bệnh nhân để giải chèn ép tim, thấy máu chảy nhiều, các bác sĩ nhận định: bệnh nhân bị tràn dịch màng tim do vỡ tim, gây chèn ép làm tim ngừng đập.
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC |
Ngay lập tức, “báo động đỏ” được kích hoạt, kíp bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong phẫu thuật tim hở, chạy máy tim phổi nhân tạo, hồi sức, gây mê được huy động để vừa hồi sức tim, vừa chuyển thẳng bệnh nhân vào phòng mổ tim hở, thực hiện phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật do Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm kíp trưởng tiến hành mở lồng ngực bệnh nhân, thấy xương ức bị gãy nhiều đoạn do chấn thương kèm nhiều máu cục trong màng tim, đồng thời phát hiện vị trí đường vỡ tim nằm ở tâm nhĩ phải, kích thước 3 cm kéo dài đến sát động mạch vành phải được cục máu đông bít lại.
Bác sĩ Hùng cho biết: Vỡ tim do chấn thương là tổn thương rất nặng nề, phần lớn bệnh nhân sẽ tử vong ngoại viện trong thời gian ngắn vì mất máu cấp hoặc bị chèn ép tim cấp gây ngừng tim.
“Trường hợp của bệnh nhân T. khá may mắn bởi vị trí vỡ được máu đông bít lại ngăn dòng chảy, song nguy cơ tử vong vẫn rất cao nếu cục máu đông bị bong ra. Mặc dù chúng tôi đã từng phẫu thuật nhiều ca tim hở, nhưng đây là trường hợp mổ tim cấp cứu đòi hỏi thời gian chuẩn bị gấp với chấn thương khó và phức tạp”, bác sĩ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh.
Để có thể xử trí triệt để tổn thương, các bác sĩ quyết định sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo trong quá trình mổ. Bệnh nhân được nhanh chóng đặt các đường ống chạy tim phổi, máy hỗ trợ tuần hoàn để làm rỗng tim, tạo điều kiện thuận lợi giúp khâu vị trí vỡ tim chính xác, tránh làm tổn thương động mạch vành phải và thần kinh tim khi khâu cũng như kiểm soát toàn bộ các tổn thương khác có thể phát hiện phía sau quả tim.
Tổn thương ở tâm nhĩ phải khá dài và phức tạp, song nhờ kinh nghiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các kíp phẫu thuật, gây mê, chạy máy tim phổi, tổn thương đã được xử trí an toàn, đường vỡ tim được khâu lại tốt, nhịp đập tim ổn định.
Sau khi kiểm tra không thấy có thêm tổn thương nào khác, kíp mổ tiến hành rút máy tim phổi nhân tạo, đặt dẫn lưu và đóng lồng ngực.
Bệnh nhân hiện đã có thể đi lại bình thường chỉ sau 2 ngày phẫu thuật - Ảnh: BVCC |
Ca mổ diễn ra thành công sau 4 giờ đồng hồ phẫu thuật xuyên đêm căng thẳng. Bệnh nhân được chuyển về khoa hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Sau mổ chỉ 2 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường, các chức năng tim mạch ổn định, các tổn thương khác vùng ngực và bụng tiến triển tốt.
“Bệnh nhân phục hồi ngoạn mục chỉ 2 ngày sau mổ, đó thực sự là niềm hạnh phúc của cả ê-kíp chúng tôi”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Nguyễn Liên