Trong văn bản mới đây của Tổng cục Thủy sản đã xác định con cá màu đen, đốm trắng, dài hơn 2,5 m, nặng khoảng 1 tấn mà người dân xẻ thịt là cá nhám voi (Rhincodon typus), thuộc nhóm I, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Loài này thuộc phân lớp cá sụn Elasmobranchii, có kích thước to lớn trong lớp cá sụn. Loài cá này chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, nên ngư dân khai thác, xẻ thịt cá nhám voi là trái pháp luật.
Nhà chức trách xác định, chủ tàu đánh bắt và vận chuyển con cá là ông Trịnh Tứ Thiệu (ở phường Quảng Tiến, Sầm Sơn).
Con cá màu đen, đốm trắng, dài hơn 2,5 m, nặng khoảng 1 tấn bị ngư dân Sầm Sơn xẻ thịt là cá nhám voi. |
Ông Thiệu tường trình, đang đánh cá ở vùng biển Tĩnh Gia thì phát hiện một con cá lớn đã chết mắc vào lưới. Sau đó, gia đình ông đưa cá thể cá trên lên tàu, rồi đưa vào bờ. Từ đây, chủ tàu chở con cá trên về Cảng Hới phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) bằng ô tô để cắt khúc bán. Chủ tàu cũng không biết đây là loài cá quý hiếm.
Sau khi cá được cắt khúc, do không có ai mua, toàn bộ số cá được gia đình ông Thiệu gom lại đưa lên xe chở đến một cơ sở nghiền bột cá để làm thức ăn gia súc.
Vụ việc này đang gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người lên án hành động giết cá nhám voi là dã man. Hơn nữa, đó là loài cá có trong danh sách quý hiếm, cần được bảo vệ.
Cá nhám voi hay cá mập voi (tên khoa học Rhincodon typus Smith) là thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp cá sụn (Chondrichthyes), thuộc bộ nhám râu Orectolobifomes, họ cá nhám voi Rhincodontidae. Đây là loài cá mập lớn nhất và cũng là một trong những loài cá có kích thước lớn nhất hiện còn sống.
Nhiều người lên án hành động giết cá nhám voi. |
Loài này được nhận dạng lần đầu tiên năm 1828 ngoài bờ biển Nam Phi. Tên gọi "cá nhám voi" có lẽ là do kích thước lớn của nó.
Cá nhám voi sinh sống trong các đại dương thuộc vùng nhiệt đới và ôn đới ấm của thế giới. Được coi là sống ngoài đại dương nhưng chúng cũng tụ tập lại theo mùa ở một vài khu vực ven bờ như dải đá ngầm Ningaloo ở khu vực miền tây Úc cũng như Pemba và Zanzibar ở khu vực ven bờ đại dương của Đông Phi. Khu vực phân bố của chúng giới hạn trong khoảng vĩ độ ±30° tính từ các khu vực này.
Cá nhám voi chủ yếu sống cô độc và ít khi thấy chúng bơi thành đàn. Người ta tin rằng chúng sống di trú, nhưng các chuyên gia vẫn không rõ chúng có thể di cư xa bao nhiêu (có thể là di trú xuyên đại dương).
Chiều dài của cá nhám voi khoảng từ 9-11 m, nặng từ 10-15 tấn. Chiều dài tối đa được kiểm chứng là 12,45 m, và khối lượng tối đa là 21,5 tấn.
Loài cá này ăn các loại sinh vật phù du, tảo lớn, nhuyễn thể hay các loại mực và động vật có xương sống nhỏ. Các răng nhỏ li ti không giúp ích gì cho quá trình ăn uống của nó, thay vì thế nó hút nước chứa các sinh vật phù du vào qua miệng và đi qua mang lược (có chức năng giữ lại thức ăn) và sau đó bị tống ra khỏi bằng mang cung.
Các nhám voi không gây nguy hiểm cho con người. Những người thợ lặn có thể bơi xung quanh loài cá khổng lồ này mà không gặp phải vấn đề gì.
Người ta tin rằng cá nhám voi đạt tới độ tuổi trưởng thành vào khoảng 30 năm và chúng có tuổi thọ ước tính khoảng 60-150 năm.
Cá nhám voi có thể gặp tại các khu vực biển của Việt Nam, Thái Lan, Maldives, Hồng Hải, tây Úc (dải đá ngầm Ningaloo), khu bảo tồn hải dương Gladden Spit ở Belize, và tại quần đảo Galapagos. Những thợ lặn may mắn cũng có thể gặp chúng tại Seychelles, Puerto Rico và Philippines (Donsol).
Trong sách đỏ quốc tế, cá nhám voi được xếp vào nhóm EN trong cấp độ bảo tồn, tức là loài nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ở Việt Nam, cá nhám voi có tên trong sách đỏ đồng thời nằm trong Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Cá nhám voi bị suy giảm nghiêm trọng trong thế kỷ qua. Sách đỏ Việt Nam năm 2010 ghi nhận tình trạng loài này chỉ còn dưới 250 cá thể tại Việt Nam và sẽ ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt. Trong khi trên thế giới, chỉ có 100 cá thể được nghiên cứu.
Loài cá này cũng có trong Phụ lục II của Công ước CITES, kiểm soát chặt chẽ hành vi khai thác, buôn bán. Các hành vi đánh bắt, mua bán đều bị xử phạt.
Nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (mức EN) có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng tùy khối lượng sinh vật.
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017. Mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và phạt tù tới 15 năm.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)