Tập trung 3 đột phá chiến lược
Mục tiêu xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, mục tiêu tổng quát xác định: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh. Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại; xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, phát huy những thành quả đạt được, trong 5 năm 2020-2025, tỉnh xác định thực hiện ba đột phá chiến lược: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước.
Thực tế thời gian qua, Cà Mau luôn chú trọng, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch. Đây là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp sớm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị tác động rất lớn bởi dịch Covid-19.
Nhờ những thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, chú trọng giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, nắm bắt thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, năm 2020, chỉ số PCI của Cà Mau tăng 2 bậc so với năm 2019 - xếp hạng 43/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, Cà Mau vẫn thu hút được 9 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.314 tỷ đồng, tăng 3 dự án so với cùng kỳ năm 2020, gồm các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng khu đô thị, điểm du lịch sinh thái, Nhà máy xử lý chế biến phụ phẩm thủy hải sản, dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung, cây xăng dầu...
Tính đến tháng 5/2021, địa bàn tỉnh có 398 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 10 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký gần 129.602 tỷ đồng.
Thời gian qua, Cà Mau cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chương trình, đề án mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông bộ và giao thông thủy, chủ động phát triển hạ tầng các đô thị. Tỉnh đang đẩy nhanh triển khai đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua nội ô TP. Cà Mau, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đầu tư nâng cấp, mở rộng Sân bay Cà Mau. Đặc biệt, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư 3 đô thị động lực: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn…
Khơi dậy tiềm năng, nỗ lực bứt phá
Thực tế trong 5 năm (2015-2020), Cà Mau đã thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/năm; năng suất lao động xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,7%/năm.
Cà Mau đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp khi tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 5%, cao hơn mức bình quân cả nước là 2,7%; thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… với nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 2,7 triệu tấn; tổng sản lượng lúa đạt 2,5 triệu tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,3 tỷ USD, tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm…
Tỷ trọng khu vực dịch vụ ở Cà Mau chiếm 41,7%, tốc độ tăng trưởng khu vực thương mại, dịch vụ hằng năm đạt 9,94%. Tỉnh thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Cà Mau đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế đạt gần 74.000 tỷ đồng (chiếm 28% GRDP); tổng thu ngân sách được hơn 26.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, các dự án, công trình trọng điểm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cà Mau tiếp tục phấn đấu đạt nhiều mục tiêu: GRDP bình quân tăng 6,5 - 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng (tương đương 3.320 USD). Trong cơ cấu kinh tế, ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,8%. Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 chiếm từ 30 - 32% GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,5%/năm; Tỉ lệ đô thị hóa đạt 31%....
Với những giải pháp và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, Cà Mau vẫn đang nỗ lực thực hiện đồng bộ "nhiệm vụ kép", vừa coi trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Mảnh đất nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc hứa hẹn tiếp tục nối dài những thành quả đạt được, vươn mình, phát triển nhanh và bền vững.
Ngọc Hân