Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Cà Mau, tính đến thời điểm này, trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ số thành phần chủ trì của các cơ quan, đơn vị, theo khảo sát đánh giá, điểm dự kiến Chỉ số DTI tỉnh Cà Mau năm 2023 đạt 801.91/1.000 điểm, tăng 333.04 điểm so với năm 2022.
Theo đó, trong số 8 chỉ số thành phần, chỉ số hiện tăng cao nhất là Hoạt động chính quyền số, tăng 105 điểm; Hoạt động xã hội số tăng 73 điểm; An toàn thông tin mạng tăng 43 điểm; tăng 30 điểm là Thể chế số; thấp nhất là Nhân lực số, tăng 13,7 điểm.
Xét theo 95 chỉ số thành phần, có 64 chỉ số thành phần đạt điểm tối đa, 3 chỉ số thành phần không có điểm và 28 chỉ số thành phần chưa đạt điểm tối đa.
Các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hoá để phục vụ chuyển đổi số nền kinh tế.
Nhiều khó khăn
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT&TT, đánh giá: “Nhận thức về chuyển đổi số gần đây có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, mức độ quan tâm đến chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao.
Ðiều này thể hiện qua các mục tiêu chuyển đổi số có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, chưa đạt hiệu quả cao.
Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm các nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị, ngành, lĩnh vực; từ đó, chưa theo kịp yêu cầu chuyển đổi số”.
Về khó khăn trong cải thiện các chỉ số, có 8 chỉ số thành phần được đánh giá theo phương pháp Min - Max so sánh với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tính điểm tối đa cho đơn vị có tỷ lệ cao nhất, sau đó giảm dần, nên các chỉ số được tính theo phương pháp này cũng khó đạt điểm hoặc điểm tối đa.
Việc đánh giá các chỉ số thành phần dựa vào kết quả khảo sát đánh giá của bộ chuyên ngành và nhóm chuyên gia, ước thực hiện cuối năm để tính được các chỉ số: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP (trong đó, phải xác định được giá trị tăng thêm của kinh tế số); Số lượng người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử... Do đó, việc thống kê các chỉ số này gặp khó khăn.
Ông Chính nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được quyết liệt và trách nhiệm, thể hiện qua kết quả báo cáo thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực còn rất sơ sài, chưa bám sát các chỉ số thành phần được giao chủ trì...
Chính vì vậy, cơ quan đầu mối tổng hợp phải trao đổi và đề nghị bổ sung lại, do đó, ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như kết quả đánh giá của tỉnh.
“Một cái khó nữa, nguồn lực tham gia thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan chuyên trách Sở TT&TT còn ít, trong khi đó, với yêu cầu khối lượng công việc ngày càng nhiều, chất lượng và tiến độ đặt ra ngày càng cao”, ông Chính cho biết thêm.
Nhân viên Viettel Cà Mau hướng dẫn cài đặt các ứng dụng số cho người dân trên địa bàn TP Cà Mau.
Chủ động, sáng tạo hơn
Ông Trần Quốc Chính đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chỉ số thành phần được giao chủ trì cần chủ động hơn trong công tác phối hợp cung cấp số liệu, cũng như tài liệu kiểm chứng đảm bảo kịp thời, chất lượng.
Ðồng thời, rà soát lại hệ thống thông tin quản lý của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin.
Ðược biết, hiện nay vẫn còn các mục tiêu thực hiện chuyển đổi số chưa đo lường được, chưa rõ cách thức đánh giá, chấm điểm, như Tỷ lệ doanh nghiệp SMEs tiếp cận nền tảng chuyển đổi số; Tỷ lệ kinh tế số trong GRDP... (do Bộ TT&TT cung cấp số liệu cuối năm).
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Sở TT&TT chủ động liên hệ làm việc với Bộ TT&TT để nắm cách thức đánh giá, đo lường, nhất là các tiêu chí liên quan đến Chỉ số DTI, phát triển hạ tầng số của tỉnh.
Về cải thiện và nâng cao Chỉ số DTI tỉnh Cà Mau, trên cơ sở dự kiến điểm DTI năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TT&TT chủ động đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị cải thiện các điểm số đạt thấp và chưa đạt, đồng thời rà soát kỹ các tài liệu kiểm chứng và duy trì các chỉ số đã đạt điểm tối đa.
Ðồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh triển khai phát triển hạ tầng số tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025; lưu ý việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp và thúc đẩy các nền tảng số dùng chung.
Tiếp tục rà soát, cập nhật tiến độ, báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu thuộc nhiệm vụ của địa phương về chuyển đổi số năm 2023, các nội dung tại bản cam kết thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Ðề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" và chuyển đổi số tỉnh Cà Mau, góp phần nâng cao DTI./.
Hồng Nhung (Báo Cà Mau)