Khơi dậy tiềm năng, lợi thế
Trong hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả khá tốt. Không chỉ các cơ sở sản xuất mà người dân đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình, từ đó nhiều ý tưởng về các sản phẩm mới được ra đời và phát triển. Không chỉ có vậy, các chủ thể đã chủ động phát huy nội lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc…
Tính đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP của 44 chủ; các ngành chức năng và các HTX, chủ thể, doanh nghiệp đã phối hợp ra mắt 8 điểm trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh.
Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, những sản phẩm được công nhận rất phù hợp với thị hiếu và đáo ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người tiêu dùng. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện rõ bản sản và truyền thống của từng địa phương trong tỉnh mà còn bước đầu khơi dậy được tiềm năng, lợi thế về sản vật, nguyên liệu và sự khéo tay của người dân nông thôn Cà Mau.
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Phần lớn sản phẩm OCOP tại địa phương đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com (tỉnh Cà Mau), voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook…
Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của tỉnh này còn xuất khẩu được qua các thị trường như: Australia, Canada, Trung Quốc, Singapore… Nhờ đó mà đến nay, khảo sát sơ bộ cho thấy, có hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 15-20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Trong nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã tổ chức hàng loạt các chuỗi sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương với các nhà mua, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh.
Nhận diện khó khăn để nâng cao chất lượng
Mặc dù đạt được nhưng thành tựu tích cực. Chương trình OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả tốt, không chỉ các cơ sở sản xuất mà người dân đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình, từ đó nhiều ý tưởng về các sản phẩm mới được ra đời và phát triển; các chủ thể đã chủ động phát huy nội lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên, tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn mang tính căn cơ cần tháo gỡ để sản phẩm nông nghiệp của địa phương đủ sự tiếp cận với thị trường; trong đó có thể nhận diện là hầu hết các cán bộ phụ trách ở địa bàn cơ sở chưa nắm đầy đủ, còn lúng túng trong thực hiện; Chưa hình thành được các tổ chức tư vấn cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời vẫn còn nhiều chủ thể có tiềm năng nhưng chưa nắm rõ nguyên tắc và chu trình thực hiện; chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích khi tham gia chương trình.
Song song đó là yếu tố hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong nhiều sản phẩm chưa cao, chủ yếu vẫn là sơ chế hoặc chế biến đơn giản nên giá trị sản phẩm còn thấp. Đặc biệt, trong 77 sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có sản phẩm nào đạt 5 sao. Bên cạnh đó, dù giàu tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái nhưng chưa có sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng được chứng nhận là sản phẩm OCOP…
Ngọc Hiển