Chia sẻ về việc đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước tại tỉnh Cà Mau, ông Trần Quốc Chính, Phó Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau cho hay, tỉnh đã quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thông tin từ khá sớm. Từ trước năm 2011, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước từ các sở, ban, ngành đến cấp huyện, cấp xã có hệ thống máy chủ riêng và nằm rải rác, nguy cơ mất an toàn thông tin khá cao. Nhưng từ sau năm 2011, tỉnh Cà Mau đã thành lập Trung tâm tích hợp dữ liệu đặt ngay tại Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Sở TT&TT quản lý. Từ đó tất cả dữ liệu đều được tập trung tại tỉnh, như vậy mới đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin. Hiện tại các đơn vị chỉ còn mạng LAN ứng dụng trên nền tảng web. Mạng LAN đầu tư được đến 21 sở ngành, 9 huyện, thành phố, UBND tỉnh Cà Mau đã có hệ thống tường lửa bảo vệ mạng LAN cho đơn vị.
Theo ông Chính, từ tháng 7/2016, UBND tỉnh Cà Mau chính thức ban hành quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước, với những quy định về quy trình và trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin rất chi tiết và cụ thể. Bên cạnh đó, do Đội ứng cứu các sự cố về an toàn thông tin thường xuyên kiểm tra và trang bị hệ thống tường lửa từ khi có Trung tâm tích hợp dữ liệu nên tại Cà Mau mấy năm nay chưa bị sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin. Trong quá trình vận hành trung tâm dữ liệu có 1-2 lần trục trặc, nhưng không phải do bị sự cố do tấn công. Sở TT&TT Cà Mau cũng phát hiện những dấu hiệu tấn công song hacker chưa xâm nhập vào hệ thống của tỉnh.
Năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau có chủ trương đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng thêm Trung tâm dữ liệu mới để thực hiện cho dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện tới xã.
UBND tỉnh Cà Mau cũng thành lập Đội ứng cứu các sự cố về an toàn thông tin do các cán bộ Sở TT&TT Cà Mau làm nòng cốt, với đội ngũ nhân lực có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, có người học ở nước ngoài về, sẵn sàng phối hợp để xử lý các sự cố.
Mới đây, Sở TT&TT Cà Mau phối hợp với Viettel và VNPT để kiểm tra, đánh giá và có kế hoạch nâng cấp hệ thống giám sát khắc phục sự cố an toàn thông tin lên mức độ 3, theo đánh giá chỉ đạt mức 2/4. Sở TT&TT Cà Mau khi xây dựng hệ thống khắc phục phòng ngừa sự cố đã dùng phương thức thuê dịch vụ của VNPT.
Đối với việc đảm bảo an toàn thông tin cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, ông Chính cho hay, do Cà Mau có rất ít doanh nghiệp về CNTT nên đa số những doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản có quy mô lớn thường thuê các nhà cung cấp dịch vụ CNTT từ Cần Thơ và TPHCM; hoặc Viettel, VNPT về cung cấp dịch vụ CNTT và đảm bảo an toàn thông tin. Các ngân hàng đầu tư hệ thống theo ngành dọc nên rất ít xảy ra trường hợp sự cố mất an toàn phải ứng cứu.
Theo ông Trần Quốc Chính, quá trình triển khai đảm bảo an toàn thông tin ở Cà Mau và một số tỉnh khác đang có nhiều vướng mắc. Ví dụ, việc thuê server lưu trữ của doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 80 của Chính phủ có nhiều trở ngại nhưng Cà Mau vẫn cố thực hiện. Bởi khi lập kế hoạch phải làm dự án đảm bảo thuê ít nhất 3- 5 năm thì doanh nghiệp mới đầu tư, tính ra mỗi năm Cà Mau chi phí khoảng 700 triệu đồng. Thế nhưng, theo Nghị định 80 thì kế hoạch lại thực hiện hàng năm, nếu cơ quan nhà nước chỉ ký hợp đồng một năm họ sẽ không đầu tư được.
Về đội ngũ làm CNTT ở các cơ quan nhà nước đến nay không có biên chế mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc kiêm nhiệm chỉ phù hợp với những cơ quan ít người, còn với các sở, ngành lớn thì không phù hợp. Ví dụ, Sở NN&PTNT có 1.000 cán bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường có 500 cán bộ, đều sử dụng mạng và máy tính để làm việc, hệ thống thông tin đầu tư rất lớn nên phải có đội ngũ chuyên trách. Việc không được giao biên chế về CNTT là một khó khăn rất lớn mà nhiều địa phương gặp phải.
Về chế độ phụ cấp ưu đãi cho cán bộ CNTT cũng vậy, Sở TT&TT Cà Mau có trình xin UBND tỉnh ban hành nhưng chưa ra được văn bản vì làm chưa có căn cứ pháp lý. Theo kinh nghiệp của một số tỉnh đã có quy chế về ưu đãi cho cán bộ CNTT như An Giang, Đà Nẵng thì khi kiểm toán vào cũng hỏi về ưu đãi này vì không có cơ sở pháp lý. Do đó, Cà Mau tạm thời chưa ban hành mà chờ chủ trương từ Chính phủ.