Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một giải pháp giúp cho người tiêu dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau năm 2024 đã triển khai thành công đối với sản phẩm OCOP tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm hoạt động, hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau năm 2024 đã triển khai thành công đối với sản phẩm OCOP tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh

Giải pháp truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ Blockchain không chỉ giúp chuẩn hoá quy trình ghi nhận thông tin trong sản xuất mà còn cung cấp công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát chất lượng sản phẩm tại các cơ sở sản xuất.

W-minhhoa.png

Qua đó, hệ thống góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của các sản phẩm chủ lực, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành sản xuất địa phương. Thành công của dự án không chỉ mang lại giá trị cho tỉnh mà còn mở rộng cơ hội đưa sản phẩm địa phương ra thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Cà Mau.

Hôm 19/11, Hội nghị “Phổ biến các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tập huấn thực hiện truy xuất nguồn gốc”, đã cung cấp cái nhìn toàn diện về hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc ứng công nghệ 4.0, tiêu biểu với Blockchain trong việc gia tăng tính minh bạch và cần thiết phải đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu truy xuất và mã truy vết mà tiêu chuẩn quốc gia đã đặt ra.

Trong năm 2024, dự án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025” đã đạt bước tiến đáng kể với việc mở rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc cho 20 sản phẩm OCOP mới từ 17 cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Cà Mau và 7 huyện. Đặc biệt, hơn 62.000 tem truy xuất nguồn gốc có in mã QR đã được cấp phát hỗ trợ các cơ sở dán lên trên bao bì các sản phẩm trước khi phân phối ra thị trường. Thông qua đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm thông qua thao tác quét mã QR đơn giản.

Toàn bộ thông tin sản phẩm sau khi truy xuất được cập nhật và công khai trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau (https://txng.camau.gov.vn/). Giải pháp không chỉ nâng cao độ nhận diện thương hiệu mà còn đảm bảo uy tín sản phẩm, giúp các sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp đã triển khai trong giai đoạn trước, năm 2024, hệ thống tiếp tục mở rộng thêm cho 8 cơ sở sản xuất mới.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV