Qua công cuộc triển khai toàn diện, đến nay có thể nói, chuyển đổi số (CÐS) đã lan toả đến từng ngõ, từng nhà, từng người; kinh tế số đã và đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần hình thành nên những công dân số trong xã hội số.

Ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, trên mọi lĩnh vực, CÐS đã đem đến những tín hiệu tích cực, từng bước số hoá các quy trình giao dịch, khám chữa bệnh, giáo dục, nhất là trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.

Ghi nhận trên lĩnh vực y tế, thời gian qua, ngành y tế tỉnh được đánh giá là một trong những ngành thực hiện tích cực công tác CÐS. Nổi bật, hiện 125/125 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khoẻ qua hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân; có 14 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai hệ thống đặt lịch, tư vấn, khám sức khoẻ từ xa (VnCare), với trên 248.110 sổ sức khoẻ điện tử của người dân được tạo lập trên hệ thống VnCare; có 19 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện liên kết với 5 ngân hàng triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt, đã phát sinh hơn 6.000 lượt giao dịch.

T12 2.jpg
Trên lĩnh vực y tế, CÐS giúp quản lý bệnh nhân dễ dàng hơn, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh.

Bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, phấn khởi: “Rõ ràng, CÐS đã đem lại rất nhiều lợi ích cho bệnh viện lẫn bệnh nhân, cũng như cho cả công tác quản lý. Ðối với bệnh nhân, sẽ đỡ mất thời gian hơn rất nhiều. Hiện bà con có thể đăng ký thông qua các app trước khi đến khám bệnh, hoặc khi thực hiện các dịch vụ tại bệnh viện, bệnh nhân có thể sử dụng các app để thanh toán.

Về mặt quản lý, bệnh viện có đầy đủ bộ hồ sơ bệnh nhân, tất cả lịch sử khám bệnh của bệnh nhân ở bệnh viện đều được liên thông trong hồ sơ sức khoẻ của bệnh nhân. Và hiện tại, các bác sĩ ở trạm y tế xã vẫn có thể có các thông tin về điều trị ngoại trú của bệnh nhân, để có thể theo dõi được sức khoẻ cho bệnh nhân”.

Trên lĩnh vực kinh tế, CÐS đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, không những đem đến doanh thu, lợi nhuận cao, tạo thị trường tiêu thụ rộng lớn, mà còn đem những sản phẩm hàng hoá đa dạng, chất lượng, giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hoá đơn điện tử; có 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; có hơn 2.490 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS (Chương trình SMEdx), chiếm 52,42%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên tổng doanh thu bán lẻ ước đạt 9%.

 

T12 1.jpg
Hiện nay, người tiêu dùng khi đến các cửa hàng, siêu thị mua sắm hầu hết thanh toán không dùng tiền mặt.

Ðặc biệt, ghi nhận đến nay, toàn tỉnh có 6.000 hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và 125.614 tài khoản người mua trên 2 sàn thương mại điện tử madeincamau.com và buudien.vn. Tổng số nông sản tỉnh lên sàn là 734 sản phẩm, trong đó có 140 sản phẩm OCOP.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc điều hành Co.opmart Cà Mau (TP Cà Mau), chia sẻ: “Thời gian qua, Co.opmart luôn quan tâm phát triển về thương mại điện tử, như đặt hàng qua Zalo, app và đa dạng các hình thức thanh toán. Riêng tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là năm đầu tiên Co.opmart khai thác mạnh về thị trường trực tuyến, bằng cách tạo ra những video trên Facebook và TikTok và tổ chức những đợt livestream bán hàng trên fanpage của Co.opmart để kết nối với khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Kết quả ghi nhận có thể thấy, người dân đang chuyển dịch từ trực tiếp sang trực tuyến rất nhiều. Lượng hàng đặt trực tuyến tăng gấp 3 lần so với trước”.

Những kết quả tích cực trong tiến trình CÐS tỉnh phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các tổ công nghệ số cộng đồng. Với 883/883 ấp/khóm, với 4.518 thành viên, các thành viên của tổ công nghệ số đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210 ngàn hộ cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ trên toàn tỉnh. Ðồng thời, triển khai thí điểm mô hình “Khu dân cư điện tử”.

Ðồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” tại 42 tuyến đường/cụm dân cư tại 17 đơn vị xã, phường trên địa bàn TP Cà Mau; có tổng số 1.786 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cài đặt và sử dụng phần mềm ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử.

Chị Ðặng Bích Giao, Tổ phó Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 1, Phường 9, TP Cà Mau, cho biết: “Tổ tuyên truyền đến các đối tượng, đa phần là các cô chú lớn tuổi, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để bà con tiếp cận với công nghệ số, như thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt các app điện tử. Qua đó, đã giúp nhiều hộ kinh doanh có thể ứng dụng công nghệ trong mua bán, tăng doanh thu; người dân địa phương cũng biết sử dụng công nghệ nhiều hơn khi mua sắm”.

Nhìn một cách toàn diện có thể thấy, CÐS đã hiện diện trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực và từng con người đang có những chiều hướng đổi thay tích cực, hướng tới công nghệ số. Hy vọng rằng, trên nền tảng hạ tầng số đang được đầu tư, dữ liệu số đang tiếp tục thu thập và hoàn thiện, sẽ là tiền đề quan trọng tiếp tục đưa CÐS đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Theo Hồng Nhung - Phương Du (Báo Cà Mau)