Người Hong Kong (Trung Quốc) đi xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AP |
Tết Nguyên đán diễn ra ở khắp châu Á từ 1/2, ngay cả khi các biện pháp thắt chặt về đại dịch được nhiều quốc gia áp dụng nhằm hạn chế đám đông và giảm thiểu chuyến đi chơi của các gia đình.
Theo hãng tin AP, nhà chức trách Hong Kong (Trung Quốc) đang đối mặt với số ca nhiễm cao kỷ lục, gây sức ép với chính sách "không Covid-19" của Trung Quốc. Ngày 7/2, thành phố này ghi nhận 614 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Edwin Tsui, một quan chức thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Hong Kong nói: "Chúng tôi dự báo, sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong vài ngày tới. Chúng tôi coi đó là một số ảnh hưởng sau kỳ nghỉ lễ. Với các biện pháp ngăn chặn hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể kiểm soát dịch bệnh".
Hong Kong hiện yêu cầu tất cả các ca mắc Covid-19 phải nhập viện. Nhà chức trách thành phố này hôm qua (7/2) thông báo, những ai tiếp xúc gần với các ca nhiễm được phép cách ly tại nhà kể từ ngày 8/2. Những người dương tính với virus corona trong khi cách ly ở nhà sẽ được chuyển tới bệnh viện. Chính quyền Hong Kong đang xem xét áp đặt phong tỏa các khu nhà dân cư có các ổ dịch và cấm ăn uống ở nơi công cộng sau 6h tối.
Tại Singapore, sau Tết, số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh. Ngày 5/2, số ca nhiễm đã tăng gấp 3, lên tới 13.000 trường hợp. Tới 6/2, số ca nhiễm giảm xuống 7.752 khi các hạn chế được áp đặt, gồm cả giới hạn số người dùng bữa tại các nhà hàng, hạn chế số khách tới thăm nhà. Trong tháng qua, tổng số ca nhiễm virus ở quốc đảo sư tử là hơn 100.000 nhưng hơn 99% là nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trên khắp châu Á, nhà chức trách các nước đối mặt với một mô hình tương tự khi biến thể Omicron dễ lây nhiễm trở thành biến thể chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện và tử vong do biến thể Omicron không cao như biến thể Delta trước đó.
Vũ công Thái Lan đeo khẩu trang khi trình diễn để bảo vệ bản thân trước Covid-19. Ảnh: AP |
Ở Nhật, gần 90.000 ca mắc mới được phát hiện vào cuối tuần qua khi số ca nhiễm biến thể Omicron không có dấu hiệu chậm lại. Tại Indonesia, các ổ dịch địa phương cũng tăng mạnh. Tại Thái Lan, nhà chức trách nước này ngày 7/2 thông báo có hơn 10.000 ca mắc Covid-19 một ngày và đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc cao như vậy. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, số lượng bệnh nhân nặng giảm và tỷ lệ tử vong vẫn ổn định.
Số ca mắc mới ở Malaysia cũng ở mức cao, với 11.304 ca được ghi nhận trong ngày 7/2. Ca nhiễm tăng sau đợt nghỉ Tết, thời điểm nhiều người Malaysia đi du lịch. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết, hầu hết các trường hợp đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Quan chức y tế hàng đầu Malaysia là Noor Hisham Abdullah cảnh báo, số ca mắc hàng ngày có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng 3 và kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường. Khoảng 98% người trưởng thành ở nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng và một nửa trong số họ đã được tiêm mũi thứ ba.
Tại Hàn Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nước này có thể chứng kiến mức tăng vọt lên tới 130.000 hoặc 170.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 2. So với giữa tháng 1, số ca nhiễm ở Hàn Quốc hiện tăng gấp 9 lần.
Ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục dao động, giảm xuống 9 ca mắc vào ngày 5/2 nhưng lại tăng lên 45 vào ngày 7/2, hầu hết ở tỉnh Quảng Tây. Thành phố Bách Sắc ở Quảng Tây ngày 7/2 đã yêu cầu khoảng 3,5 triệu cư dân ở trong nhà, hạn chế di chuyển không cần thiết nhằm kiềm chế số ca nhiễm đang tăng lên.
Bách Sắc là thành phố thứ ba của Trung Quốc bị cô lập trong hai tháng qua vì Covid-19. Trước đó, Trung Quốc đã phong tỏa Tây An, thành phố 13 triệu dân và An Dương - 5 triệu dân.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Hoài Linh
Nga liên tiếp xô đổ kỷ lục buồn Covid-19, Anh đón dấu hiệu tích cực
Nga ngày 6/2 tiếp tục chạm đỉnh số ca nhiễm mới Covid-19. Trái ngược, số ca nhiễm mới ở Anh trong tuần qua đã giảm 5%, số ca tử vong mới cũng giảm 7%.