Trong 33 tổng công ty thì có 9 tổng công ty chưa có cán bộ chủ chốt, có DN phải mất nhiều tháng, thậm chí cả năm vẫn chưa có được lãnh đạo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Rủi ro rất cao
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xác nhận SCIC mấy tháng nay vẫn đang thiếu vắng vị trí tổng giám đốc. Dù vậy, ông Chi cho biết hoạt động của SCIC vẫn đang diễn ra bình thường.
Tại cuộc họp tổng kết nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng 31/1, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cũng đã giãi bày việc đang có sự chắp vá, chưa chính thức về người đại diện pháp luật nên quá trình triển khai nhiệm vụ của tổng công ty rất khó khăn. “Thực tế, hằng ngày, hằng tuần vẫn phải bán vốn, vẫn phải kinh doanh nhưng không có người đại diện pháp luật thì rủi ro rất cao”, ông Nguyễn Đức Chi nói.
SBIC vẫn thiếu cả Tổng giám đốc và Chủ tịch sau khi ông Nguyễn Ngọc Sự nghỉ hưu rồi bị bắt. |
Thực tế, chức danh Tổng giám đốc SCIC đã từng được Bộ Tài chính - với vai trò là cơ quan chủ quản - lưu tâm từ lâu. Từ tháng 5/2016, khi ông Lại Quang Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nghỉ hưu, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chức danh Tổng giám đốc SCIC đối với 4 trường hợp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, khi ông Đạo nghỉ hưu, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC, được cử làm người đại diện theo pháp luật của SCIC, quy hoạch này vẫn chưa được duyệt.
Từ 1/9/2017, ông Hoàng Nguyên Học nghỉ hưu theo chế độ. Đến nay, SCIC vẫn khuyết chức danh Tổng giám đốc như đã đề cập ở trên.
Không chỉ SCIC, hiện Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC - tên gọi mới của Vinashin) vẫn còn khuyết cả chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc sau khi ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch SBIC nghỉ hưu từ tháng 8/2017 (mới đây, ông Nguyễn Ngọc Sự đã bị khởi tố, bắt giam vì lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ). Khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã được giao kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giãi bày tại một hội nghị mới đây về đổi mới DNNN: “Chúng tôi đã sàng lọc, tìm kiếm lãnh đạo chủ chốt cho tổng công ty nhưng không được, đưa từ chuyên viên lên thì nhiều nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Với cương vị Chủ tịch kiêm nhiệm tôi cũng không được ký tá, nhiều khi mọi người nói đùa là anh cứ ký đi, tôi cũng bảo tôi mà ký thì mọi người vào tù thăm tôi... ”.
Thay đổi cách bổ nhiệm lãnh đạo DNNN
SCIC và SBIC không phải là cá biệt. Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, cho rằng, còn một số DN trong khối DNNN Trung ương có tình trạng “khuyết” cán bộ chủ chốt. Cụ thể, trong 33 tổng công ty thì có 9 tổng công ty chưa có cán bộ chủ chốt.
Ông Nguyễn Anh Dũng, sếp Vinachem đã bị cách các chức vụ trong Đảng. |
Kiến nghị giải pháp giải quyết về vấn đề “khuyết” cán bộ chủ chốt, Bí thư khối DN Trung ương Phạm Viết Thanh cho rằng: “DN không nên bổ nhiệm các cán bộ không đủ nhiệm kỳ, cán bộ sắp về hưu làm lãnh đạo. Bán vốn cần người làm tốt, có thể hoạch định cho tương lai của DN. Phải bổ nhiệm người đủ năng lực, thời gian công tác dài hạn để họ xây dựng và phát triển DN”.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Thiếu người đứng đầu thì làm gì cũng khó, có nơi thiếu một lãnh đạo, nhưng như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiếu cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc, như vậy thì không thể giải quyết được các vấn đề của DN”. Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp để có báo cáo đầy đủ tới lãnh đạo Chính phủ vấn đề này.
Thực tế, việc tìm “sếp” cho các DNNN không phải là dễ dàng. Sau khi lâm vào “khủng hoảng” cán bộ lãnh đạo, nhiều sếp bị khởi tố, bắt giam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải mất tới gần 1 năm mới có tân chủ tịch là ông Trần Sỹ Thanh (được điều động từ chức Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn).
Còn tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), sau nhiều tháng ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Vinachem, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng thì Bộ Công Thương vẫn đang đề xuất cán bộ thay thế vị trí của ông Dũng.
Nhìn nhận vấn đề bổ nhiệm lãnh đạo ở các DNNN, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng: Chúng ta mau mau cải cách DNNN thành mô hình khác, không phải như bây giờ. Dù gần đây, trách nhiệm của các lãnh đạo DNNN đã được cột chặt hơn về vai trò cá nhân nhưng vẫn không thể bằng ở khối tư nhân được. Doanh nghiệp tư nhân của đau con xót, người lãnh đạo không làm được người ta phải chịu hậu quả cho nên họ chọn lựa rất cẩn thận. Cho nên, phải thay đổi căn bản mô hình quản trị của DNNN, trước hết thu hẹp số lượng, quy mô DNNN lại.
TS Lưu Bích Hồ chia sẻ: Thay đổi mô hình quản trị cũng sẽ giúp thay đổi công tác nhân sự. Việc chọn lựa lãnh đạo DNNN phải thực sự minh bạch, chọn được người có năng lực, trình độ, kĩ năng. Đương nhiên, DNNN cần đề cao vấn đề phẩm chất, những vụ việc thời gian qua là bài học sâu sắc cho công tác nhân sự các DNNN.
"Tôi thấy có lãnh đạo DNNN được bổ nhiệm phải qua quy trình như một Thứ trưởng, Bộ trưởng. Doanh nghiệp là một mô hình khác, không phải mô hình quản lý nhà nước cho nên việc bổ nhiệm cũng phải khác. Ta phải tham vấn kinh nghiệm các nước, đặc biệt kinh nghiệm quản trị tập đoàn tư nhân. Họ làm nhân sự rất chuẩn mực, tiêu chuẩn tiêu chí rành mạch nên họ mới bảo đảm được sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, phải loại bỏ chuyện dựa dẫm vào quan hệ để bổ nhiệm lãnh đạo DNNN”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Lương Bằng