- Nếu tiếp tục chỉ tập trung đầu tư cho thành phố, không có giải pháp quyết liệt thì đường Hà Nội sẽ còn tắc lâu dài.

1. Thứ nhất và quan trọng nhất: Ta chỉ tập trung đầu tư phát triển thành phố, mà ít chú trọng nông thôn.

Học ở đâu, chữa bệnh, việc làm ở đâu đều lên thành phố. Học xong cũng ở lại thành phố. Cả làng rủ nhau lên thành phố bán bánh đa, kẹo lạc cũng sống được, về quê làm ăn khó khăn không đủ sống (đến Tết thấy rõ 2 thành phố lớn nhất vắng bóng người, vì về quê hết). 

Một người ốm ở bệnh viện thành phố, lại mấy người chăm nom, lao lên thành phố là vì lẽ đó.

{keywords}
Người đi bộ giữa ma trận xe máy. Ảnh: Trần Thường

2. Thủ đô ở các nước là một trung tâm chính trị, có ý nghĩa tâm linh tinh thần, diện tích rất nhỏ, chỉ là nơi các cơ quan bộ ngành trung ương đóng và nhà công vụ để ở luôn đó, chứ không phải một thành phố công nghiệp, nông nghiệp đồ sộ. Không có chuyện thủ đô mà xe đầu kéo, container, xe chở bê tông chạy rầm rầm.

3. Giấy phép: HN là tập trung quyền lực, với hàng ngàn giấy phép con thì ai cũng phải lao ra HN xin.

4. Xe hơi: Giá xe hơi tăng phi mã, càng tăng thì lại càng mua, chạy 10-20 năm vẫn bán được mấy chục nghìn đô (chưa kể thấy bạn có ô tô mình đi xe máy thấy khó chịu).

Ta thấy hầu hết xe chạy ngoài đường (cả taxi lẫn xe con) là chở 1 khách, đôi khi 2 khách, hiếm khi nào đầy xe. Mỗi xe hơi (kể cả 7 chỗ) chiếm gấp bao nhiêu lần diện tích đường so với xe máy mà hầu hết cũng chỉ chở một người đi làm, đi ăn, đi chơi golf.

Các nước Malaysia, Indo, Thái... người ta mua xe rẻ, nhưng chi phí vận hành xe rất đắt, lấy tiền đó phát triển hạ tầng, mở rộng đường xá. Ô tô dàn hàng 5-7 chiếm hết phần đường xe máy thì xe máy phải lách thôi, phải leo lên vỉa hè, vỉa hè lại buôn bán, quay lại chặn đầu xe ô tô, thế là rối loạn.

{keywords}
Xe máy lao lên vỉa hè 

5. Xây dựng: Các nước đâu có khái niệm nhà mặt tiền, toàn nhà cao tầng, cứ xây lên 20-40 tầng, sẽ có nhiều diện tích đất để làm đường giao thông, công viên, thể thao…

Các tòa nhà phục vụ đầy đủ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, thể thao, mua sắm, xem phim. Mà các tòa nhà phải cách nhau từ 1,5 đến 2 lần chiều cao và lùi vào trong vài chục mét, chứ sát đường thì ô tô xếp hàng đi vào tòa nhà sẽ gây kẹt.

Sống tập trung thế người ta mới đi xe buýt, toàn nhà ống thì làm sao có sức đi bộ từ nhà đến bến xe buýt rồi từ bến xe buýt đến chỗ mình cần đến, rồi quay về cũng vậy, ít nhất 4 lần đi bộ, chưa kể đổi xe, ai sẽ muốn đi xe buýt. Xe buýt nhiều trạm dừng quá thì chậm, ít trạm dừng thì xa; nếu muốn phát triển xe buýt thì trước mắt tất cả cán bộ công chức đi trước (ngồi xe hơi và bảo dân đi xe buýt thì khó lắm).

6. Diện tích đường: Pháp sang Việt Nam cách đây hàng trăm năm mà đã làm những con đường lớn như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, xa lộ Hà Nội (TPHCM), Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt (HN). 

Còn ta, con đường độc đạo Nguyễn Hữu Thọ mới làm để đi quận 7, Nhà Bè, KCN Hiệp Phước hàng triệu dân, mỗi bên chỉ có 1 làn ô tô, 1 làn xe máy, trong khi lúc xây dựng những năm 2000 khu này là dừa nước, ao rau muống...

{keywords}
Ùn tắc giao thông Hà Nội không biết đến bao giờ 

7. Các đường không nên giao nhau mà một cái lên trên, một cái xuống dưới bằng cầu vượt, hầm chui, chứ ngã tư, ngã năm, bùng binh, vòng xoay thì kiểu gì cũng tắc.

Các nước bây giờ xây đường trên cao rất nhiều, thay vì phải đền bù giải tỏa hàng vạn tỷ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, ta xây một con đường trên cao ở trục nằm chính giữa đường, 2 làn xe thôi, dành cho những xe chỉ đi ra sân bay.

8. An toàn: Trước đây, từ mẫu giáo đến lớp 10, tôi đi học hoàn toàn đi bộ, kể cả trường cách nhà vài cây số, bố mẹ không phải đưa đón và cũng hiếm có chuyện gì xảy ra. Nhà có 1 chiếc xe đạp thì bố mẹ đi làm.

Ngày nay, sáng mẹ chở con đi học, sau đó đi làm, chiều đón con, đi về, rồi còn đi nhiều việc nữa, khối lượng di chuyển trên đường tăng gấp 2 -3 lần. Để con đi một mình không yên tâm.

Nhiều vấn đề quá, vậy có nên tính làm như một số nước như Mỹ, Nga, Myanmar là dời đô? Mỹ từ Philadelphia về Washington DC, Nga từ St. Petersburg về Matxcơva, Myanmar từ Yangon về Naypyidaw cũng vậy.

Hoa Kỳ xây thủ đô Washington 1.000 năm nữa vẫn hoạt động tốt (đường rộng hàng trăm mét, triệu người tham gia diễu hành cũng được).

Nếu việc đó lớn quá, làm mất nhiều thời gian và công sức thì có một phương án có thể làm được ngay, đó là xây một trung tâm hành chính Trung ương và trung tâm hành chính Hà Nội ở bên kia cầu Nhật Tân.

Chính phủ và tất cả các bộ, cơ quan trực thuộc và các cơ quan hành chính Hà Nội sẽ chuyển về đó. Việc này sẽ giảm đi lại khủng khiếp giữa các bộ và phối hợp giữa các bộ tốt hơn (vì thường chấp thuận một văn bản phải có rất nhiều chữ ký); việc người dân đến liên hệ thuế, bảo hiểm, nhà đất… cũng thuận tiện hơn. Tiền xây dựng 2 trung tâm trên lấy từ bán đất các trụ sở của các cơ quan ban ngành đoàn thể hiện nay chắc chắn đủ.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải.

An Lê (Hà Nội)