Cá Danionella Cerebrum lần đầu được biết đến vào những năm 1980, nhưng chỉ chính thức được công nhận vào năm 2021, sau khi các nhà khoa học phát hiện ra những điểm khác biệt nhỏ về mặt vật lý giữa chúng và loài Danionella Translucida.

Cả hai loài cá này đều rất nhỏ, bằng kích thước móng tay người và giống nhau đến mức chỉ có thể phân biệt được dưới kính hiển vi.

Danionella_cerebrum.jpg
Danionella Cerebrum là loài cá trong suốt có kích thước 12mm. Ảnh: AngryBurmese/Wikimedia Commons

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một đặc điểm thú vị khác của Danionella Cerebrum. Nó không chỉ giúp Danionella Cerebrum khác biệt so với các loài cùng chi, mà còn đưa chúng lên thứ hạng rất cao trong danh sách những loài động vật ồn ào nhất thế giới.

Loài cá trong suốt nhỏ bé này sử dụng sự kết hợp giữa cơ âm thanh và sụn trống để tạo ra âm thanh rất lớn.

Tiến sĩ Ralf Britz, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Senckenberg, cho biết: “Loài cá nhỏ này có thể tạo ra âm thanh trên 140dB ở khoảng cách từ 10-12mm – tương đương tiếng ồn mà con người nghe được khi máy bay cất cánh ở xa 100m, khá bất thường đối với một loài động vật có kích thước nhỏ bé như vậy”.

Picture2 1.jpg
Loài cá này có thể tạo ra âm thanh lớn. Ảnh: The Guardian

Điều thú vị nữa là xương sườn của con đực cứng hơn nhiều con cái. Đó có thể là lý do con cái Danionella Cerebrum không tạo ra những âm thanh lớn bằng con đực.

Về mục đích của những âm thanh này, các nhà khoa học vẫn chưa khám phá ra, nhưng họ cho rằng nó có thể giúp cá di chuyển trong vùng nước đục hoặc có thể là một chiến thuật hung hăng được con đực sử dụng để cảnh báo sự cạnh tranh trong quá trình giao phối.