- Ghi nhận tại Quảng Bình, tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ biển đã giảm mạnh. Ngư dân ở một số vùng biển bắt đầu ra khơi trở lại.
Phóng viên VietnamNet cũng ghi nhận, những ngày trước, người dân ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) thu gom được hàng chục tấn cá biển chết, trôi dạt vào bờ thì đến chiều nay, tình trạng cá chết cũng đã giảm rõ rệt.
Trong khi đó, tại một số vùng biển như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Hải Ninh, Quảng Phú, Ngư Thủy… những tàu đánh cá biển xa đã quay trở lại hoạt động bình thường. Còn các thuyền đánh bắt gần bờ có nơi đã bắt đầu ra biển đánh bắt trở lại.
Ngư dân ở xã Nhân Trạch đã ra khơi trở lại |
Cùng với đó, với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, hàng chục tấn cá chết đã được thu gom, xử lí. Ngư dân tại thị trấn Cửa Tùng, Cửa Việt tiếp tục ra khơi đánh bắt trên vùng ngư trường truyền thống.
Mặc dù là hai địa phương được phát hiện cá chết hàng loạt trôi dọc bờ biển sau cùng nhưng trên bờ biển hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) hiện nay đã không còn hiện tượng xác cá trôi nổi.
Cùng với đó, người dân cũng trở lại với hoạt động buôn bán và đánh bắt hải sản.
Dọc bờ biển xã Quảng Công (Quảng Điền), không còn phát hiện xác cá dạt vào bờ. Ảnh: Quang Thành |
Nợ là “động lực” bám biển
Cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung khiến cuộc sống của nhiều ngư dân miền biển bị đảo lộn, hoạt động kinh doanh, buôn bán liên quan đến mặt hàng hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, vì những khoản nợ ngân hàng, ngư dân một số vùng vẫn tiếp tục bám biển.
Anh Nguyễn Văn Nổm (trú thị trấn Thuận An) cho biết, anh cùng nhiều ngư dân tại cảng cá Thuận An đang “sống dở chết dở” vì đợt cá chết này.
Bình thường, mỗi ngày tàu anh đánh bắt xa bờ từ 3- 4 cập cảng một lần. Mỗi lần như vậy, nếu cá đầy tàu cũng thu về được ít tiền, phục vụ sinh hoạt gia đình và có đồng tiền dư trả lãi ngân hàng.
Nợ nần là "động lực" bám biển của ngư dân |
“Mấy ngày qua, chúng tôi cũng ra khơi nhưng lưới toàn vớt được cá chết. Lúc đầu, chúng tôi không hiểu nguyên nhân tại sao nhưng khi vào đến bờ, xem thông tin mới biết cá chết do nước biễn nhiễm độc”, anh Nổm cho hay.
Do ảnh hưởng của việc cá biển chết hàng loạt nên thương lái cũng không còn mặn mà khi mỗi tàu cá đánh bắt cập bờ. Nếu như trước đây, mỗi lần thấy tàu về, hàng chục người chạy đến trành giành, thu mua thì giờ cả thuyền đầy cá cũng không ai ngó tới.
Anh Nguyễn Tý (trú thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An) chia sẻ, vì khoản nợ ngân hàng số tiền hàng chục triệu đồng nên dù biết cá bán ế ẩm anh cũng phải ra khơi, bám biển.
“Vợ chồng tôi vừa vay tiền ngân hàng để đóng tàu được mấy ngày thì xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, bán không ai mua nhưng cũng phải bám biển. Tranh thủ ra khơi, đánh bắt được con tôm, con cá gì đó về bán rẻ cũng còn có đồng để tích góp trả nợ”, anh Tý cho biết.
Cùng chung hoàn cảnh với ngư dân Huế, ngư dân một số tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng của tình trạng cá chết hàng loạt.
Ngư dân ngóng chờ mọi việc ổn định trở lại. Ảnh: Quang Thành |
Anh Hoàng Minh Sơn (SN 1988) ở xã Quảng Phú đang chuẩn bị ra biển cho biết: “Tôi đi biển cùng tàu bạn, mặc dù đánh bắt xa bờ, không bị ảnh hưởng bởi cá chết nhưng cả tuần nay chúng tôi phải ở nhà vì cá đánh về bị rớt giá.
Nay cá chết trôi dạt đã ít hơn nên những tàu đánh bắt xa bờ như chúng tôi đã bắt đầu đi biển lại. Hy vọng mọi việc đều thuận lợi”.
Hơn nửa tháng cá chết và trôi dạt vào bờ biển khiến bà con ngư dân, tiểu thương buôn bán cá ở chợ…như ngồi trên đống lửa.
Có những nơi bà con không thể đi đánh cá vì đánh về cũng không bán được, nhưng vẫn có một số ngư dân đánh cá tươi về phục vụ cho bữa ăn của gia đình mình.
“Ngư dân ở xã Nhân Trạch chúng tôi vẫn đều đặn ra biển đánh cá về ăn. Vì cá tầng đáy chết nhiều nên chúng tôi chỉ đánh bắt các loại sống ở tầng nổi. Một số nhà hàng trên địa bàn thấy cá tươi sống vẫn mua đều đặn”, anh Hồ Văn Giang (35 tuổi) nói.
Quang Thành – Hải Sâm