Mỗi năm, cứ khoảng tháng 10 âm lịch là vào mùa gió chướng, gió thổi từ hướng Đông Bắc tạo nên những con sóng lớn xô vào bờ biển Cồn Chày Mười (xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre). Sóng cũng đánh dạt lên bờ nhiều hải sản, tôm cá, ốc hương, ốc mỡ và nhiều nhất là ốc viết.
Rạng sáng thì triều rút, để lại bãi biển rộng hàng trăm mét, kéo dài hơn 7km la liệt ốc. Những con ốc viết xoắn dài màu cam nằm sát nhau làm đổi màu luôn cả bãi biển. Ngư dân ở đây cũng chỉ chờ đến mùa này là cùng kéo nhau ra bãi "hốt bạc".
Chừng 6h sáng, hàng trăm người sẽ kéo nhau ra bãi biển, mỗi người sẽ chọn cho mình một chỗ để bắt ốc. Có người chỉ lựa bắt ốc hương với giá hơn 100 nghìn đồng mỗi kg, dù số lượng ít, phải đi lại nhiều nhưng bán được giá. Trong khi đó hầu hết mọi người chọn bắt ốc viết, dù rẻ nhưng lại rất nhiều, chỉ cần ngồi một chỗ hốt vào sọt mang về.
Cười tươi như hoa, chị Huỳnh Thị Nhanh (40 tuổi, ngụ xã Thới Thuận) đang chuẩn bị chở thành quả của mình về bán dù còn rất sớm. "Một trăm ký rồi, được 300 nghìn đồng", chị Nhanh nói.
Dưới một vũng nước, một người phụ nữ khác đang liên tục hốt ốc lên. "Sóng dồn ốc vào đây dày đặc, nếu không lựa thì chỉ cần thò tay xuống là hốt được đầy tay. Vài bữa nữa thì càng nhiều hơn nữa", người phụ nữ chia sẻ.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Thủy (47 tuổi, ngụ xã Thới Thuận) cũng ra bờ biển bắt ốc viết từ sáng sớm. Chị Thủy bắt ốc, còn chồng chị thì phụ trách việc chở ốc vào bờ bán.
Chị Thủy cho biết dù đã bắt gần 5 tiếng đồng hồ nhưng chị chưa di chuyển được quá 10m. Ốc quá dày đặc nên chẳng cần nhìn, cứ đặt tay xuống là nhặt được.
"Sáng giờ tui bắt được 200kg rồi, trừ xăng xe ăn uống còn chừng 570 nghìn đồng, cứ ngồi một chỗ hốt vậy, đến khi nước lên thì nghỉ, dân ở đây kiếm tiền vào mùa này là chính.
Mỗi năm có 4 tháng trước và sau tết là ốc dạt vào bờ. Khoảng 2 tháng nữa, sóng to, ốc dạt vào dày đặc, chỉ cần xúc thôi, lúc đấy ốc cũng to hơn. Giá thì tùy ốc, tùy lúc, dao động từ 3 đến 7 nghìn đồng/kg", chị Thủy cho biết.
"Chỉ nhờ bắt ốc viết mà vợ chồng tui có tiền nuôi 3 đứa con ăn học, 2 đứa lớn đi học đại học rồi", chị Thủy cười nói.
Người dân ở Bến Tre cho rằng, những con ốc viết như là lộc trời ban cho người dân nghèo xứ biển nơi đây. Bởi khi sống, ốc viết tạo thêm một nguồn thu đáng kể, còn khi ốc chết, sóng đánh dạt vào bờ tạo thành những bờ đê chắn sóng, bảo vệ đất đai sản xuất cho người dân.
Không những thế, ốc quá nhiều, ngư dân bắt không hết. Cứ qua mỗi năm, lượng lớn vỏ ốc lại dạt vào bãi biển, tạo nên một con đê vỏ ốc cao cả mét, dài hàng mấy km độc đáo nhất Việt Nam.
(Theo Dân Trí)
Hàng tấn sò mai theo sóng dạt vào bờ, người dân kéo nhau đi vợt kiếm bạc triệu
Những ngày qua, số lượng sò mai theo sóng dạt vào bờ biển Hà Tĩnh rất nhiều, hàng trăm người dân đổ xô kéo nhau ra biển thu hoạch.