- Tưởng chừng cầm chắc cái chết trong tay, vậy mà nhiều nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở vẫn được cứu sống, hồi phục đầy ngoạn mục.
35 ngày thần kỳ của thai phụ 'gần như cầm chắc cái chết' Bị viêm phổi dẫn tới suy hô hấp cấp do virus tấn công, hai mẹ con thai phụ gần như cầm chắc cái chết đã được cứu sống một cách thần kỳ sau 35 ngày căng thẳng. |
Phép màu giữa đời thực
Kể đến những ca được cứu sống thần kỳ nhờ kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) không thể bỏ qua trường hợp của thai phụ V.N.H., SN 1992, ngụ tại An Giang.
Đang mang thai ở tuần thứ 36, bị viêm phổi dẫn tới suy hô hấp cấp do virus tấn công khiến chị H. phải nhập viện.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng thai phụ ngày càng xấu, suy hô hấp nặng, các biện pháp hỗ trợ điều trị thông thường đều bó tay.
Để cứu sống thai nhi và người mẹ, các bác sĩ đã phải mổ bắt thai (lấy ra được bé gái nặng 2,6 kg), đồng thời áp dụng kỹ thuật ECMO cho chị H.
Em bé ngay sau đó được chuyển qua chăm sóc tại Bệnh viện Hùng Vương, người mẹ vật lộn với tử thần 35 ngày, tới nay sức khỏe đã đi vào ổn định.
Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi chị H. đang điều trị), bệnh nhân đã cai ECMO từ ngày 29/4. Hiện nay chị H. vẫn đang nằm điều trị đặc biệt tại khoa nhưng đã chuyển qua hỗ trợ máy thở qua nội khí quản.
Bác sĩ Tiển nhận định: "Từ tình trạng tất cả các biện pháp cấp cứu phải chào thua, nay chuyển được qua thở máy, đối với chị H. là một chuyển biến vô cùng bất ngờ và tích cực".
Một trường hợp thoát chết kỳ diệu khác là cậu học sinh tên Nguyễn Văn Thành, 17 tuổi, ngụ tại Đồng Nai. Thành bị viêm cơ tim khiến tim loạn nhịp nặng. Lúc đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Các bác sĩ hồi sức, thậm chí áp dụng sốc điện nhiều lần nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện.
Thương cảm vì Thành còn quá trẻ, xét thấy cậu học sinh vẫn có cơ hội sống sót nếu được áp dụng kỹ thuật ECMO.
Và sau một thời gian tích cực điều trị bằng kỹ thuật hồi sức cấp cứu có một không hai, vật lộn với tử thần, sức khỏe của Thành đã cải thiện.
Tưởng như cầm chắc cái chết, nay Thành lại xuất viện, trở lại trường lớp cùng thầy cô, bạn bè.
Một trường hợp ngưng tim, ngưng thở được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO. |
Một trường hợp khác đã ngưng tim, ngưng thở vẫn được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy là anh Nguyễn Văn Huy, 40 tuổi, luật sư, ngụ tại Long An.
Anh Huy bị tai nạn, đa chấn thương, gãy xương dẫn tới tình trạng thuyên tắc mỡ. Bản thân bệnh nhân và gia đình vẫn không tin vào thực tại, bởi khi nhập viện anh Huy coi như…đã chết rồi.
Em Nguyễn Minh Đức, học sinh, ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai tới nay vẫn rùng mình nghĩ lại cơn thập tử nhất sinh từng trải qua.
Ban đầu Đức bị cảm sốt, tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Ai ngờ sau khi uống thuốc cậu bé sốc phản vệ với kháng sinh dẫn tới nguy ngập hô hấp cấp (ARDS).
Trong giới chuyên môn, khi đã xác định bệnh nhân bị ARDS tới bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu chào thua.
Nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, Đức được điều trị máy thở nhưng không cải thiện, cuối cùng phải dùng đến kỹ thuật ECMO.
Sau 2 tuần, cậu học sinh đã hồi phục và xuất viện.
ECMO có chức năng như lá phổi nhân tạo. |
Kỹ thuật cao nhất trong HSCC
Theo Bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là đề tài do TS – BS Phạm Thị Ngọc Thảo – PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện.
Có thể nói đây là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu (HSCC), được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2011, từ đó tới nay đã điều trị cho gần 20 trường hợp thập tử nhất sinh, đem lại kết quả vô cùng ấn tượng.
Đối tượng được áp dụng kỹ thuật ECMO là những bệnh nhân bị hội chứng nguy ngập hô hấp do viêm phổi, sốc phản vệ, thuyên tắc mỡ, hoặc viêm cơ tim cấp do virus có biến chứng choáng tim nặng (đã dùng thuốc vận mạch không cải thiện).
“Trong các trường hợp đó, bệnh nhân sẽ bị thiếu oxy máu, tụt huyết áp kéo dài, rối loạn nhịp tim khiến các cơ quan không được tưới máu và tử vong”, bác sĩ Tiển nói.
Với kỹ thuật ECMO, máu trong cơ thể của bệnh nhân sẽ được lấy ra ngoài, chạy qua một hệ thống màng rồi quay trở lại cơ thể người bệnh.
Hệ thống màng ngoài giống như lá phổi nhân tạo, giúp máu kết hợp được với oxy, từ đó mới tưới máu nuôi các cơ quan.
Mỗi tấm màng sử dụng được trong 14 ngày, ở những bệnh nhân bệnh lý kéo dài có thể sẽ dùng nhiều tấm màng.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiển lưu ý: “ECMO chỉ áp dụng đối với các bệnh nhân nguy kịch, hoạt động thay lá phổi của bệnh nhân để chờ chức năng tim, phổi phục hồi. Không dùng kỹ thuật này suốt đời như chạy thận nhân tạo được. Với các bệnh nhân bị cơ tim giãn nở, suy hết cơ tim, nếu có tim để ghép mới dùng ECMO để chờ đợi”.
Kỹ thuật ECMO rất phức tạp, đòi hỏi nhiều điều kiện nên không phải bác sĩ hoặc cơ sở y tế nào cũng thực hiện được.
Để áp dụng kỹ thuật ECMO tại đơn vị mình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải cử một đội y, bác sĩ sang tập huấn tại Đức, Đài Loan và Hàn Quốc.
Kỹ năng kết nối máy với bệnh nhân, vận hành, điều chỉnh các thông số trên máy đòi hỏi bác sĩ phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Các kỹ thuật viên và điều dưỡng cũng phải được đào tạo để xử lý, phối hợp sao cho thật ăn ý, bài bản.
Tỷ lệ cứu sống do kỹ thuật ECMO là 75% đối với trường hợp suy hô hấp cấp và 67% đối với bệnh nhân suy tim cấp.
Thanh Huyền
(*) Tên của bệnh nhân đã được thay đổi.