Chiều 30/9, TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ về việc bệnh viện trả lại hệ thống robot phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống - Modus V Synaptive, sau hơn 1 năm ứng dụng tại bệnh viện. Tổng chi phí cho việc thuê hệ thống robot là 54 tỉ đồng bao gồm tiền robot, phí đào tạo, bảo hành, vận chuyển…

Bác sĩ Báu cho biết, robot này góp phần bảo toàn sự sống và giảm tối đa tỷ lệ tàn phế cho người bệnh. Robot có kèm theo trí tuệ nhân tạo phân biệt được các bó dẫn truyền, cảm giác ngôn ngữ, thị giác của thần kinh trong não người bệnh, giúp bác sĩ lấy được chính xác khối u có máu tụ xuất huyết não mà không ảnh hưởng đến cấu trúc thần kinh khác.

Bên cạnh đó, quá trình hậu phẫu rút ngắn, người bệnh có thể xuất viện vài ngày sau mổ. Đây cũng là loại robot tốt nhất hiện nay và Việt Nam là nước thứ 4 sử dụng sau Mỹ, Canada, Thụy Sĩ. 

{keywords}

Ca mổ u não bằng robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115

“Các bệnh lý về thần kinh mà được mổ bằng robot thì quá tuyệt vời, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được phương pháp này vì chi phí điều trị quá cao. Do đó, số lượng ca bệnh phẫu thuật không đạt được như trong phương án đấu thầu”, bác sĩ Báu nói.

Theo bác sĩ Báu, hệ thống robot này được ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam và châu Á nên giá thành cao. Do đó, bệnh viện quyết định xin thuê máy và được cấp trên duyệt. Tất cả các quy trình đều thông qua phương thức đấu thầu công khai.

Khi thuê, bệnh viện đưa ra giá trần và các công ty đấu thầu, tất cả hư hao phía công ty đều phải chịu. Trong vòng 4-5 năm, nếu đảm bảo đủ số lượng bệnh nhân, thiết bị sẽ thuộc về bệnh viện. 

Với điều kiện hiện tại của Bệnh viện Nhân dân 115, phương án an toàn nhất là thuê như vậy sẽ không chịu sức ép về kinh tế, không phải làm để bù lại. Tuy nhiên, giải pháp phụ thuộc vào công ty thuê nên khi không đạt hiệu quả về kinh tế, họ đã rút máy về vào đầu tháng 8.

Về việc rút lại robot khiến bệnh nhân sẽ gặp khó khăn như thế nào khi điều trị, bác sĩ Báu cho biết, hiện bệnh viện có một thiết bị định vị khối u nhưng không thể phát hiện các bó sợi thần kinh nên quá trình phẫu thuật sẽ gây tổn thương thần kinh. 

Vì vậy, công ty rút máy về là điều rất đáng tiếc. Từ khi có robot phẫu thuật, tỷ lệ tử vong do xuất huyết não giảm hẳn.

“Mơ ước của chúng tôi là có được hệ thống máy này bởi sẽ cứu được nhiều bệnh nhân hơn thậm chí có thể phẫu thuật miễn phí cho người nghèo. Chúng tôi mong ước có đơn vị, cá nhân nào đó tâm huyết hỗ trợ bệnh viện có được robot thay vì trả lại”, bác sĩ Báu nói thêm.

Mộc Khuê

'Trợ thủ' giúp bác sĩ điều trị Covid-19 giảm nguy cơ lây nhiễm

'Trợ thủ' giúp bác sĩ điều trị Covid-19 giảm nguy cơ lây nhiễm

Chú robot vừa giúp giảm tải công việc cho nhân viên y tế, vừa đảm bảo hạn chế tối thiểu việc lây nhiễm khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19.