Để chuẩn bị cho việc vận hành xe buýt nhanh BRT, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đã có biển cảnh báo cho phương tiện biết; phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, việc phân làn khó được người dân chấp hành, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Bà Lê Thị Nga ở Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chỉ mong xe máy, ô tô đi đúng làn đường của mình để xe buýt nhanh có thể đi nhanh được”.
Mặc dù Sở GTVT Hà Nội khẳng định tính hiệu quả của dự án xe buýt nhanh này, nhưng nếu các phương án phân làn không hiệu quả, xe buýt nhanh khó có thể nhanh được.
Thực tế thì trái với dự đoán của nhiều người, không phải lúc nào đoạn đường xe buýt nhanh đi qua cũng kẹt cứng. Đó là ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Kim Mã, Giảng Võ trong sáng ngày 20/12. Mặc dù là vào giờ cao điểm buổi sáng nhưng phương tiện hoàn toàn có thể lưu thông bình thường.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chị Nguyễn Thị Quỳnh, sinh viên học viện Bưu chính Viễn Thông cho biết: “Nếu đường thông hè thoáng thì chọn buýt nhanh, còn tắc đường thì thôi”.
Tuyến xe buýt nhanh bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2017. Sau thời gian miễn phí, sẽ bán vé 7.000 đồng/lượt, từ 5-15 phút sẽ có một chuyến, ngày thường có 358 chuyến.
Theo BGT