- Dự án buýt nhanh vận tải khối lượng lớn (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa thi công chậm tiến độ. Trong khi đó, hệ thống nhà chờ xây xong lại bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, có nơi nhà chờ trở thành nơi đi vệ sinh cho người qua đường.

XEM CLIP:

Tuyến xe buýt nhanh Hà Nội BRT Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 55 triệu USD, được đầu từ bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án được khởi công từ năm 2013, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm tiến độ.

{keywords}
Sơ đồ tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa

Điều đáng nói là trong khi các hạng mục toàn tuyến chưa hoàn thành thì hàng loạt nhà chờ BRT đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ghi nhận của PV trên toàn tuyến BRT cho thấy: Hàng loạt nhà chờ bị bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nơi mái che bị hư hỏng nặng, mưa nhỏ cũng bị dột thấm. Khu vực bán vé, soát vé tự động xập xệ, sơn ta luy bị hoen gỉ bong tróc... Thậm chí có nhà chờ để hoang đã được một số người dân tận dụng làm nơi đi... vệ sinh.

{keywords}

{keywords}

Phần mái móp méo, bong tróc

{keywords}

Nhiều chỗ thành chỗ đi vệ sinh cho người qua đường.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Dự án hợp phần BRT được đầu tư với hàng ngàn tỷ đồng nhưng để chậm tiến độ và xuống cấp như hiện nay là rất lãng phí. Việc dự án chậm tiến độ và xuống cấp như hiện nay rất có thể sẽ làm đội vốn đầu tư của dự án.

Nói xuống cấp là... “hơi quá”

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận: Tiến độ dự án hợp phần BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang chậm tiến độ.

Hiện tại, đường cho buýt nhanh vẫn chưa làm xong do phải làm đường phân cách và tổ chức giao thông toàn bộ trên tuyến. Việc xây dựng kế hoạch phối hợp với các xe buýt trên tuyến cũng đang thực hiện, trong khi các hạng mục phụ xây dựng cầu đi bộ để tiếp cận nhà chờ còn phải xây thêm.

Đặc biệt, phải đến tháng 7 tới xe buýt nhanh mới được nhập về nước nên có thể phải cuối năm 2016 dự án mới được đưa vào khai thác.

Việc hệ thống nhà chờ chưa đưa vào khai thác đã xuống cấp, ông Tuấn cho hay: Sở GTVT đã tổ chức đoàn đi kiểm tra và thấy chủ yếu có hiện tượng mái nhà bị xe tải thùng cao quệt vào. Còn các hạng mục khác nói xuống cấp là “hơi quá”.

“Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị thi công phải sửa chữa ngay, vệ sinh sạch sẽ tạo bộ mặt mới cho nhà chờ. Tuy nhiên phải tính toán làm sao chống được va đập nên có thể phải làm cảnh báo phía trước nhà chờ để xe đến không quệt vào”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho hay, hiện công trình chưa nghiệm thu và đơn vị thi công hoàn toàn phải chịu trách nhiệm sửa chữa nhà chờ hư hỏng, xuống cấp.

Về tiến độ và chất lượng dự án, Sở GTVT đang làm báo cáo tổng thể lên UBND thành phố và sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.

Lo buýt nhanh thành... buýt chậm!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đánh giá: Dự án hợp phần BRT Kim Mã - Yên Nghĩa quy hoạch không tính toán trước được sự phát triển của đô thị.

Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là khu vực nhiều khu chung cư cao tầng, mật độ đông, trong khi đa số vẫn đi bằng phương tiện cá nhân. Do vậy phát triển buýt nhanh ở tuyến này hiệu quả sẽ chưa cao.

Nếu buýt nhanh không kết nối được với các tuyến ô tô buýt khác thì sẽ cản trở người dân sử dụng xe buýt, hiệu quả kinh tế buýt nhanh đem lại sẽ rất thấp.

Tuy nhiên, với điều kiện các đoạn đường mà tuyến buýt nhanh đi qua hiện nay thường xuyên ùn tắc thì rất khó để nói rằng buýt nhanh có thể phát huy hiệu quả ngay.

Nhất là ùn tắc ở Hà Nội đang là vấn đề nan giải, các giải pháp đưa ra chỉ mang tính tình thế.

“Buýt nhanh mà đường ùn tắc thì nhanh cũng thành chậm thôi”, ông Hùng đánh giá.

Vũ Điệp. Clip: Nhóm PV VietNamNet