Để đạt được mục tiêu đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) không chỉ xây dựng một tầm nhìn, hướng đi riêng mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào SXKD, tập trung chuyển đổi số (CĐS) tất các các lĩnh vực, dịch vụ. Trong đó, CĐS đang được coi là giải pháp sống còn, là ưu tiên số một.
Xác định việc ứng dụng CNTT vào tổ chức sản xuất có ý nghĩa sống còn đối với một DN bưu chính trong kỷ nguyên số hiện nay, VietnamPost đã ban hành khung kiến trúc CNTT tổng thể. Theo đó, các hoạt động của đơn vị sẽ lấy CNTT làm nền tảng và là công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa SXKD, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, đặc biệt chú trọng tới việc tối ưu hóa và tự động hóa lĩnh vực bưu chính chuyển phát, logistics cũng như chăm sóc khách hàng.
Cùng với những thế mạnh về mạng lưới vận chuyển rộng khắp, phương tiện vận chuyển đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, CNTT chính là nền tảng và công cụ đắc lực giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng TMĐT cũng như chuyên nghiệp hóa việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn ngành logistics và TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, VietnamPost đã mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu gửi/giờ, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%, đảm bảo chất lượng dịch vụ và cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời.
Các dây chuyền này có thể chia chọn hàng hóa chi tiết đến tận cấp huyện, xã thông qua việc đọc mã vạch và phân tích hình ảnh bưu gửi, đồng thời tích hợp với các hệ thống CNTT của VietnamPost như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính Vpostcode,… xây dựng quy trình liên hoàn, đồng bộ, tối ưu từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn đến phát hàng hóa tại địa chỉ khách hàng.
VietnamPost đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi-phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán… Nổi bật nhất là dự án CNTT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay - dự án “Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam” (MPITS).
MPITS được kết nối và đồng bộ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ như ứng dụng phát Dingdong cho bưu tá, phần mềm điều tin Pack and send, hệ thống quản lý vận tải TMS, CSKH CRM… Qua đó, giúp tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng, rút ngắn quy trình triển khai, vận hành dịch vụ mang lại vô vàn tiện ích cho khách hàng, đồng thời tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng.
Thông qua các ứng dụng thuộc dự án MPITS, VietnamPost có thể cùng lúc chấp nhận hàng triệu bưu gửi với nhiều phương thức ghi nhận dữ liệu đầu vào linh hoạt, kết nối API với các sàn TMĐT hoặc các phần mềm bán hàng, file dữ liệu... giúp khách hàng hoàn toàn chủ động tạo đơn trên app/website My VietnamPost hoặc qua các công cụ riêng.
Ngoài những ứng dụng CNTT trong mạng lưới, thời gian qua Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng triển khai nhiều ứng dụng khác như mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, bản đồ số Vmap, sàn giao dịch vận tải... đem lại lợi ích cho các DN bưu chính và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội, trở thành cánh tay nối dài của các cấp chính quyền cũng như một phần động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này cũng nằm trong chủ trương chung của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), coi các mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính công ích là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Đóng góp vào việc triển khai Kế hoạch tại quyết định số 1034/QĐ-BTTTT về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Bộ TT&TT, VietnamPosst đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn, giúp nông dân trên cả nước tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.
Đại diện VietnamPost cho biết, Tổng công ty đang chuyển đổi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. CĐS là giải pháp sống còn để thích ứng với bối cảnh thị trường bưu chính có sự biến động không ngừng và cạnh tranh khốc liệt.