Cơ hội “đi tắt đón đầu”

Tại phiên thảo luận Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 ngày 3/10 do Ban Kinh tế TƯ chủ trì tổ chức, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Chúng ta thấy rõ cách mạng công nghiệp 4.0 tác động chặt chẽ tới mọi mặt kinh tế xã hội của thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nước ta với trình độ phát triển còn thấp, gặp không ít khó khăn thách thức, từ đó nảy sinh nhiều tư tưởng suy nghĩ khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp lần này.

“Cũng có suy nghĩ bàng quan, thụ động, thậm chí hết sức tự ti cho rằng đây là cuộc cách mạng của ai đó chứ không phải của chúng ta. Thậm chí có ý kiến cho rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi đã, cớ gì vội vàng làm 4.0”, ông Nguyễn Văn Bình bộc bạch.

{keywords}
Diễn đàn cách mạng công nghiệp 4.0 tổ chức ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52.

Bên cạnh đó, cũng có tư tưởng suy nghĩ thể hiện sự chủ quan, nóng vội, duy ý chí. “Cái gì cũng nói đến 4.0 và coi 4.0 là xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến mặt trái, hệ lụy, tác động tiêu cực cuộc cách mạng này mang đến, có thể ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, công bằng xã hội cũng như tính phát triển bền vững của nền kinh tế chúng ta”.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết về cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị ra đời, đánh giá đúng lúc, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, một trong những tinh thần của Nghị quyết là quyết tâm đổi mới tư duy, hành động, coi đổi mới tư duy hành động là khâu đột phá để đất nước ta có thể chủ động tích cực tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

“Đây là quan điểm bao trùm, khái quát nhất, các quan điểm còn lại thể hiện, làm rõ thêm nội hàm của quan điểm này. Quan điểm này giúp ta giải tỏa các tư tưởng đang tồn tại trong xã hội như nói ở trên, để tạo ra niềm tin vững vàng, khắc phục khó khăn thách thức, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước ta”, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này mang tới cả cơ hội cho các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển như Việt Nam.

"Đây là cơ hội to lớn mà nhiều diễn giả cho rằng đây là cơ hội vàng, nhiều diễn giả quốc tế cho rằng đây là chìa khóa vạn năng với các nước đang phát triển. Với nước ta đây là cơ hội to lớn để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, đi tắt đón đầu. Đây là công cụ quan trọng để nước ta có thể bắt kịp, sánh cùng hay đi cùng và ở một số các khâu chúng ta có lợi thế phải cố gắng tạo sự bứt phá vươn lên”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Để làm được điều đó, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cần tiếp cận vấn đề theo hướng mở, cho thí điểm vấn đề thực tiễn mới. Đây thực sự là 1 yêu cầu quan trọng.

“Phần lớn chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là cách mạng về thể chế. Bởi khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế.

{keywords}
Việt Nam có cơ hội để "đi tắt đón đầu" với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng về thể chế hơn là công nghệ

Đây cũng chính là điều được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.

Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Và đây mới là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng cũng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.

Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới.

“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam, khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một thí dụ như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

“Với tinh thần và quyết tâm của Nghị quyết 52 là 'Đảng đi trước làng nước theo sau', chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp Việt Nam vượt lên”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông Dũng cho rằng: Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế. Thách thức là rất lớn.

“Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Chí Dũng đúc rút.

Hà Duy 

Nhà máy thông minh robot thay thế người, nói vậy thôi nhưng còn rất xa

Nhà máy thông minh robot thay thế người, nói vậy thôi nhưng còn rất xa

Sản xuất thông minh là con đường dài, doanh nghiệp Việt vẫn ở trong giai đoạn đầu của quá trình ấy. Thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân lực có trình độ là những nút thắt.