Búp bê Kumanthong: Thứ đồ chơi "ma quái" trở thành niềm tin mù quáng của nhiều người, chi hàng trăm triệu đổi lấy bào thai sấy khô "sặc mùi" tàn ác
Người ta tin rằng có một Kumanthong trong nhà sẽ mang lại may mắn và tài lộc. Tất cả việc cần làm là mua một Kumanthong về cung phụng nó bằng cách mua đồ chơi và đồ ngọt.
Những ngày gần đây, thông tin về việc cảnh sát Cần Thơ thu giữ 71 búp bê nghi là Kumanthong trong căn hộ của một cô gái trẻ khiến dư luận xôn xao. Chỉ ít ngày trước, vụ việc của Youtuber Thơ Nguyễn liên quan đến việc nuôi dưỡng Kumanthong cũng đã gây bất bình cho nhiều người. Bởi chỉ cần nghe đến Kumanthong thôi, một số người đã cảm thấy run rẩy vì loại búp bê này gắn liền với những câu chuyện ma ám kỳ quái.
Vậy thực chất Kumanthong là gì mà có thể khiến người ta "đảo điên" chi số tiền "khủng" để mua rồi về cưng chiều "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" vì niềm tin mù quáng vào thế lực thần bí ẩn sau những con búp bê vô tri vô giác?
Kumanthong là gì?
Từ thời xa xưa, Kumanthong đã được người Thái Lan dùng như một "thần vật" trong gia đình. Người ta tin rằng có một Kumanthong trong nhà sẽ mang lại may mắn và tài lộc. Tất cả việc cần làm là mua một Kumanthong về cung phụng nó bằng cách mua đồ chơi và đồ ngọt. Đối với người Thái Lan, họ sẵn sàng chi số tiền lớn cho những thứ như bàn thờ, bùa hộ mệnh hoặc hình xăm cầu may. Ngay cả khi không có tiền, người ta vẫn bất chấp vay mượn để mua Kumanthong với suy nghĩ khi vận may đến thì số tiền đó chẳng nhằm nhò gì.
Những con búp bê được nuôi như Kumanthong.
"Kumanthong" tiếng Thái nghĩa là "cậu bé vàng", trong đó "Kuman" có nghĩa là "cậu bé thanh tịnh" (và "Kumara" là "cô bé thanh tịnh"), "thong" nghĩa là "vàng"; Búp bê Kumanthong, còn được gọi là "quỷ linh nhi", được tạo ra để giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Cách gọi cậu bé hoặc cô bé vàng là để nhắc nhở người nuôi hãy quý chúng như vàng và phải dạy chúng đàng hoàng trước khi siêu thoát.
Truyền thống huyền bí của người Thái Lan về Kumanthong được cho là bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết "Khun Chang, Khun Phaen" của nhà thơ Sunthon Phu vào thế kỷ 19. Trong truyện, Khun Phaen, một binh sĩ cấp cao thân cận với nhà vua, được một phù thủy quyền năng sủng ái. Thầy phù thủy rất thích Khun Phaen nên quyết định gả con gái của mình cho hắn.
Bức tranh tường về Khun Phaen và vợ (ảnh của Chris Baker).
Tuy nhiên, một thời gian sau khi Khun Phaen biết vợ mang thai, hắn và bố vợ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn đến mức thầy phù thủy âm mưu giết chết Khun Phaen.
Sau đó, Khun Phaen phát hiện ra rằng vợ đang cấu kết với cha âm mưu đầu độc mình nên vô cùng tức giận và trong cơn thịnh nộ, Khun Phaen đã mổ bụng vợ để lấy con. Với bào thai đẫm máu trong tay, Khun Phaen đốt lửa tại một ngôi đền, đặt thi thể đứa trẻ lên vỉ nướng sau khi quấn trong những mảnh vải thiêng để cầu nguyện. Trong khi Khun Phaen đọc kinh cầu nguyện, ngọn lửa đã biến bào thai thành một cái xác khô, chỉ còn lại lớp da mỏng như giấy bao bọc lấy bộ xương nhỏ xíu. Mặc dù có nguồn gốc hư cấu, nhưng niềm tin vào Kumanthong có nguồn gốc từ miền Nam Thái Lan, nhiều người cho rằng những "đứa trẻ ma" này có thể cảnh báo trước mối nguy hiểm nào đe dọa một gia đình.
Tượng Khun Phaen trong đền Khun Krai ở Kanchanaburi.
Theo những thông tin đồn thổi trên mạng xã hội, có 2 loại Kumanthong là: Kumanthong phép trắng (có “năng lực” thấp) và Kumanthong phép đen (có “năng lực” cao hơn).
Kumanthong phép trắng là gì?
Kumanthong phép trắng được yểm bằng những bùa chú mà thầy phù thủy viết. Những lá bùa thường được cất trong bụng hoặc dán sau lưng của những con búp bê. Loại này thường có giá thấp và tương ứng với nó sự “siêu nhiên” đem lại cho người nuôi cũng chỉ dừng lại ở việc gặp nhiều may mắn trong kinh doanh, được bảo vệ an toàn trong cuộc sống, được giúp canh giữ nhà cửa... Đây cũng là loại Kumanthong được nhiều người Thái Lan thỉnh về thờ.
Kumanthong phép đen có thực sự đáng sợ?
Loại này thường được yểm bằng xác thai nhi (những bào thai còn trong bụng mẹ đã bị phá đi, vứt bỏ, chỉ bé bằng bàn tay), được các pháp sư "quảng cáo" là nếu đem chúng về nhà, nuôi bằng sữa, bánh kẹo (nói chung là đồ ngọt). Bên cạnh đó, hàng ngày, người nuôi còn phải trò chuyện và yêu thương chúng như con mình thì mới được các “linh hồn” trong búp bê phù hộ, cầu gì được nấy, làm ăn thuận lợi, gặp may khi chơi xổ số, chuyện tình duyên thăng hoa và nhiều điều siêu nhiên khác.
Những thầy phù thủy, đạo sĩ ở Thái Lan còn nhắc nhở người nuôi phải dành toàn bộ tình cảm và sự quan tâm cho búp bê, nếu trong nhà có trẻ em thì phải đối xử công bằng, không được bỏ bê hay thiếu quan tâm vì nếu không sẽ khiến Kumanthong nổi giận và gây hại cho người nuôi…
Hình minh họa phôi thai của Leonardo da Vinci.
Theo các bản viết tay cổ của Thái Lan được sử dụng bởi những người thực hành ma thuật đen, đầu tiên bào thai chưa chào đời bị lấy ra khỏi tử cung của người mẹ. Sau đó, thi thể của đứa trẻ được đưa đến một nghĩa trang để tiến hành nghi lễ thích hợp tạo ra một Kumanthong. Cơ thể được sấy khô trong khi thầy phù thủy tụng những câu thần chú. Nghi thức hoàn thành là lúc bào thai được sấy khô hoàn toàn. Tiếp đó, nó được sơn Ya Lak (một loại sơn mài dùng để phủ bùa hộ mệnh) và phủ vàng lá.
Những bào thai bị sấy khô để làm Kumanthong.
Một số hình nộm Kumanthong còn bị ngâm trong Nam Man Phrai, một loại dầu được chiết xuất bằng cách đốt một ngọn nến gần cằm của một đứa trẻ đã chết hoặc một người chết vì bạo lực hoặc một cái chết không tự nhiên. Cách thức này hiện không còn phổ biến, vì hiện nay hành vi này là bất hợp pháp nếu sử dụng mỡ từ trẻ sơ sinh để làm dầu thánh hiến.
Thế giới "ngầm"mua bán Kumanthong
Vào tháng 5 năm 2012, an ninh sân bay tại thành phố Bangkok (Thái Lan) đã tịch thu được những "vật thể lạ" trong hành lý của một người đàn ông tên Chow Hok Kuen. Đó là 6 bào thai người đã được sấy khô và sau đó được bọc cẩn thận bằng vàng lá.
Chow Hok Kuen, 28 tuổi, người gốc Đài Loan mang quốc tịch Anh, ngay sau đó thừa nhận đã mua các bào thai này với giá hơn 6.000 USD (138 triệu đồng) và dự định bán lại chúng ở Đài Loan làm bùa may mắn với giá gấp 6 lần giá mua.
Trong một vụ án nổi tiếng khác vào năm 1995, một người mới theo đạo Phật tên là Samanen Han Raksachit đã bị bắt sau khi một đoạn video xuất hiện cảnh anh ta thực hiện những hành vi tàn ác đối với một đứa trẻ tại Wat Nong Rakam ở tỉnh Saraburi. Anh ta đã bán chất lỏng thu được cho những người đến thăm tu viện. Raksachit bị buộc ra khỏi tu viện và bị bắt, nhưng anh ta không phải ngồi tù.
Ảnh minh họa.
Các trường hợp Kumanthong được báo cáo khác liên quan đến việc những kẻ buôn bán Kumanthong đã mua xác thai nhi từ các phòng phá thai bất hợp pháp. Vào tháng 6 năm 2010, 14 trẻ sơ sinh đã chết được phát hiện trong một ngôi nhà bỏ hoang ở tỉnh Ubon Ratchathani, và một cựu y tá bị buộc tội bán bất hợp pháp các xác chết với giá 30USD. Cuối năm đó, vào tháng 11, 348 bào thai được tìm thấy được bọc trong những chiếc túi ni lông ẩm mốc tại một tu viện ở Wat Phai Ngoen, ở trung tâm Bangkok. Những bào thai đó đã được mua từ 5 phòng phá thai bất hợp pháp khác nhau với mục tiêu bán cho các pháp sư và những người buôn bán bùa hộ mệnh.
Hiện nay, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện hội, nhóm với số lượng thành viên lên tới hàng chục ngàn người để trao đổi việc mua bán Kumanthong và cách thức chăm sóc những "con cưng" ấy sao cho đúng. Nhiều bạn trẻ với niềm tin mù quáng còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem theo “các con”, trao đổi quần áo, kinh nghiệm để làm cho “các con” vui.
Dù chỉ là những con búp bê bình thường nhưng khi đã được gọi là Kumanthong thì chúng có giá từ vài trăm, vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy thuộc vào "năng lực" đem lại may mắn cho người nuôi. Người ta cứ u mê tin rằng chỉ cần có con Kumanthong ấy ở bên cạnh thì sẽ làm ăn phát đạt, tình duyên rộng mở, nhiều may mắn nhưng không hiểu một chân lý rằng tất cả những thành quả có được đều phải cần sự nỗ lực, cố gắng, chăm chỉ thậm chí bỏ nhiều mồ hôi công sức. Và cũng chỉ có con đường đó mới bền và lâu...
Theo Pháp luật và bạn đọc
-
07/12/2022
Gửi bài tâm sự
- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.