Khoảng một tháng trước tết Nguyên đán, chợ hoa trên mạng luôn tấp nập những lời chào mời đủ các loại hoa chơi Tết từ phía nhà vườn tới những người bán lẻ.
Vài năm gần đây, khi việc mua bán, giao dịch trên mạng trở nên phổ biến, tình trạng kẻ gian lợi dụng để lừa đảo khách hàng cũng ngày một nhiều.
Với những mặt hàng dễ vận chuyển, khách thường nhận hàng trao tiền. Nhưng với hoa tươi, người bán sẽ yêu cầu chuyển khoản toàn bộ hoặc một phần trước khi gửi hàng. Những khách mua lần đầu hoặc ở xa, do đường dài, hàng cồng kềnh, người bán luôn đề nghị khách phải chuyển toàn bộ tiền trước khi gửi hàng.
Kiểm tra kỹ càng thông tin vẫn "vào tròng"
Mới đầu tháng 1, anh Lâm Trường An (Long An) bị kẻ gian lừa gần 3 triệu đồng khi đặt mua hoa cúc trên chợ hoa Đà Lạt trực tuyến. Anh An là chủ một cửa hàng hoa ở Long An, đã nhiều lần mua hàng từ nhóm trên. Nhưng lần này, mối quen của anh hết loại hoa đó.
Là người có kinh nghiệm, anh An đã kiểm tra khá kỹ danh tính người bán. “Tôi vào Facebook cá nhân để xem thì thấy trang hoạt động bình thường, thậm chí còn có nhiều bạn chung với tôi trong giới buôn hoa. Người đó còn gọi video cho tôi, đi ra tận vườn để quay, quay cả các loại hoa tôi đã đặt sau khi đóng thùng.
Sau đó, anh ta gửi cho tôi hóa đơn vận chuyển của nhà xe, có ghi đầy đủ tên Facebook của tôi, số điện thoại, tiền cước phí… Tất cả đều được in ra trông rất chuyên nghiệp chứ không phải loại viết tay”.
Tổng hóa đơn cả tiền hoa và tiền cước phí vận chuyển của anh An là 2,8 triệu đồng. Lúc đầu, giao dịch ngân hàng của anh bị trục trặc nên tiền chưa chuyển đi được. Người bán (giả mạo) liên tục giục anh chuyển khoản để gửi hàng đi.
“Tôi bảo ngân hàng đang bị trục trặc, có gửi cả ảnh chụp màn hình cho anh ta xem và bảo anh ta cứ gửi hàng đi, lát tôi chuyển tiền sau. Nhưng anh ta không đồng ý và liên tục giục tôi chuyển tiền”, anh An kể.
Sau đó, hai bên tìm một giải pháp là chuyển tiền qua ứng dụng. Anh An chuyển trước cho người bán 1,5 triệu đồng qua ứng dụng, sau đó chuyển nốt 1,3 triệu đồng qua ngân hàng. Tên của chủ tài khoản nhận tiền trên ứng dụng và ngân hàng khác nhau. “Tôi nghĩ họ cùng làm ăn với nhau”.
Sau 2 lần chuyển đủ số tiền hàng, anh An không thể liên lạc được với người bán. Anh hoảng hốt gọi cho nhà xe để kiểm tra, thì nhà xe trả lời không có đơn hàng nào như anh mô tả. Anh nhớ ra số điện thoại của tài khoản ứng dụng mình đã chuyển tiền, gọi đến thì đầu dây bên kia vẫn bắt máy và bảo: “Thằng Đ. (tên chủ tài khoản ngân hàng) ra ngoài chút, về nó gọi lại sau ”.
Đến hôm sau, anh An chủ động gọi lại số này thì người bắt máy chối phắt việc đã nhận của anh 1,5 triệu. Thậm chí, kẻ này còn đe dọa, thách thức anh báo công an. Sau đó, anh ta tắt máy. Tất nhiên, số hoa đã đặt không bao giờ đến tay anh An.
Số tiền anh An đã chuyển khoản trước
“Đến khi tôi đăng hình ảnh Facebook của người đó lên trang cá nhân và lên chợ hoa online, những người đi trước mới bảo kẻ đó chuyên đi lừa đảo”.
Anh An – người vừa gặp nhiều chuyện buồn trong gia đình và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn về tài chính – cho biết, số tiền 2,8 triệu đồng với anh bây giờ rất lớn. Anh đã báo công an về việc mình bị lừa.
Giống như anh An, năm ngoái, chị Thu Hương (Hà Nội) cũng bị lừa mua hoa Đà Lạt. Là một người bán hoa không chuyên, chị thấy một người rao bán hoa cắt tại vườn Đà Lạt với giá rất phải chăng, rẻ hơn nơi khác. Sau một hồi nhắn tin cho nhau, chị tin tưởng đặt một số lượng lớn hoa ly kép.
Người bán yêu cầu chị chuyển khoản cọc trước 7 triệu đồng. Chị không nghi ngờ gì, chuyển khoản luôn. Ngay lập tức, chị bị chặn Facebook, gọi điện thoại thì tắt máy. Khi bức xúc chia sẻ câu chuyện lên nhóm hoa Đà Lạt, chị mới biết kẻ này chuyên đi lừa đảo dưới nhiều tên Facebook khác nhau. Cứ tài khoản này bị xóa khỏi nhóm thì kẻ đó lại lập tài khoản khác.
Sau khi bị lừa, chị Ngọc Mỹ (Cần Thơ) đăng thông tin kẻ lừa đảo lên mạng thì nhận được rất nhiều phản hồi từ mọi người là từng bị lừa bởi chính kẻ đó. Thậm chí số tiền bị lừa lớn hơn chị rất nhiều.
“Kẻ này thay đổi ảnh đại diện liên tục nhưng vẫn dùng số tài khoản và cái tên đó. Anh ta đi lừa trong các nhóm buôn hoa từ năm này qua năm khác, thông thường lừa mỗi người từ 2-5 triệu đồng.
Theo chúng tôi dự đoán, anh ta không phải người ở Đà Lạt nhưng biết rất rõ về hoa và các quy trình thanh toán trong ngành hoa. Tôi cũng buôn hoa có thâm niên nhưng vẫn bị lừa vì lần đó cần hàng gấp quá nên vội vàng”.
Dấu hiệu nhận biết kẻ lừa đảo
Theo nhiều người có kinh nghiệm buôn bán trên các chợ hoa trực tuyến, dấu hiệu để nhận biết những kẻ lừa đảo là: Facebook cá nhân mới được lập, ít khi đăng bài chia sẻ hoặc có đăng bài nhưng các tương tác (bình luận) của bạn bè thường rất ngắn gọn, chung chung, giả tạo, không có các mối quan hệ gia đình, bạn bè thân thiết…
Thậm chí, có những kẻ khóa phần bình luận công khai trên trang cá nhân vì sợ các nạn nhân của mình vào tố giác. Nếu nhìn vào biểu tượng (icon) trên các bài viết, đôi khi sẽ thấy nhiều “icon” thể hiện cảm xúc tức giận, bởi vì nạn nhân và người nhà nạn nhân không thể bình luận mà chỉ có thể bày tỏ cảm xúc bằng “icon” này.
Một đặc điểm điển hình khác là những kẻ lừa đảo thường báo giá sản phẩm rẻ hơn giá mặt bằng chung, để dễ “dụ” những người mua non kinh nghiệm. Cứ thấy rẻ, nhiều người sẽ vội vã cọc tiền mà thiếu suy xét các yếu tố khác.
Với mặt hàng hoa tươi, đôi khi thời tiết quyết định rất lớn tới thời điểm hoa già, chín, đặc biệt là các loại hoa ly đơn, hoa ly kép.
Khoảng 1-2 tháng trước Tết, thông thường nhà vườn sẽ không chắc chắn được số lượng có thể thu hoạch đúng dịp Tết, cũng như không thể báo giá chính xác loại hoa này vì còn tuỳ thuộc vào thị trường. Vì thế, một số nhà vườn khẳng định, nếu ai báo giá hoa chính xác trước Tết nhiều ngày thì rất có thể là kẻ lừa đảo.
Một số nạn nhân cho biết, kẻ này đã lừa nhiều người dưới tên tài khoản Nguyễn Văn Khởi
Các nhóm chợ hoa Đà Lạt online là nơi rất nhiều người buôn bán nhỏ lẻ trong Nam ngoài Bắc tìm đến để lấy hàng bán vào dịp tết Nguyên đán. Có nhiều người chỉ bán thời vụ nên không có mối quen để lấy hàng, hoàn toàn dựa vào thông tin trên các nhóm hoa.
Có một số quy tắc mà dân buôn hoa thường chia sẻ với nhau để tránh bị lừa. Thứ nhất, người bán phải quay được video trực tiếp việc hái hoa hoặc đóng thùng, chuyển ra nhà xe.
Điều quan trọng là người mua phải có nhà xe quen hoặc tự tìm nhà xe, yêu cầu người bán chuyển đúng nhà xe đó để có một bên thứ ba đồng kiểm, xác nhận giúp mình khi người mua không có mặt trực tiếp tại đó. Khi nhà xe xác nhận đã nhận hàng thì người mua mới chuyển khoản thanh toán.
Một cách “kiểm tra” cũng khá hiệu quả trước khi mua các mặt hàng trị giá lớn mà phải chuyển tiền trước, đó là đăng hình ảnh, thông tin nhận chuyển khoản của người bán lên chính hội nhóm đó để “kiểm tra uy tín” của người bán.
Thường thì các thành viên sẽ nhận ra ngay những kẻ lừa đảo quen mặt, lừa đảo từ năm này sang năm khác. Hình ảnh mà kẻ lừa đảo dùng làm ảnh đại diện trên Facebook thường là lấy của người khác, nhưng vẫn sẽ dùng số tài khoản, tên tài khoản đó.
Ảnh: NVCC