Nhìn nhận chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ từ thu nhập, mà từ nhiều chiều cạnh liên quan khác, tháng 11/2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đo mức nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ cách tiếp cận nghèo dựa vào thu nhập sang nghèo đa chiều.

Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (UNDP).

Chương trình đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, từ cách tiếp cận đo lường nghèo dựa trên thu nhập sang dựa trên đa chiều tiêu chí.

Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Mới đây, Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS), cũng chỉ rõ, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào.

Đặc biệt, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Điều đáng chú ý là, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020.

Điều này cho thấy, tỷ trọng dân số cận nghèo thu nhập với ít nhất 3 mức độ thiếu hụt đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016 - 2020.

“Cứ 10 người thì có một người nghèo về thu nhập trong năm 2014, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch”, Báo cáo đánh giá.

Nếu so sánh giữa hai khu vực nông thôn và thành thị còn cho thấy sự khác biệt không lớn với tỷ lệ thoát nghèo bền vững chiếm tỷ trọng áp đảo trong các hộ thoát nghèo năm 2016.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng đưa ra sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân tộc. Tỷ lệ không nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn đáng kể so với nhóm người Kinh-Hoa (48,7% so với 93,2%).

Đồng thời, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thiếu bền vững hơn so với nhóm người Kinh-Hoa: 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh-Hoa chỉ là 7,6%.

Báo cáo đã đưa ra đánh giá Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội; mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức.

Sự phân chia kỹ thuật số càng sâu hơn trong thời kỳ Covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp...

Như Sỹ, Mỹ Hòa, Thu Hằng