Quyết định phê duyệt đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” là một bước tiến mới về giáo dục quyền con người, tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền cơ bản của mọi người dân, góp phần tạo ra sự thay đổi cơ bản cả về nhận thức và hành động trong tương lai gần.
Ở Việt Nam, mọi giai đoạn cách mạng trong lịch sử, con người bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm. Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú ý bảo đảm thực hiện các quyền con người trên tất cả các lĩnh vực một cách thực tế và đây là một thành tựu nổi bật, khẳng định ưu thế của chế độ xã hội mới. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, các quyền con người được mở rộng, có thêm những tiềm lực mới để bảo đảm và thực hiện. Quyền con người không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển đất nước.
Giáo dục-đào tạo nhân quyền giúp tăng hiểu biết, làm rõ các giá trị, thúc đẩy sự đoàn kết, thay đổi thái độ, và xây dựng kỹ năng góp phần tăng cường việc tôn trọng và thực thi quyền con người. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ra phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” (gọi tắt là Đề án). Đề án là minh chứng cụ thể cho thấy tính nhất quán trong quan điểm chỉ đạo, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề bảo đảm quyền con người trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình đi lên trong tiến trình giao lưu, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Mục tiêu chung Đề án là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Theo quyết định phê duyệt Đề án, chương trình giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được xác định cụ thể cho từng cấp học và chương trình đào tạo, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, được xây dựng và đưa vào giảng dạy thí điểm trong giai đoạn 2017-2020, trước khi nhân rộng ra toàn hệ thống kể từ năm 2025...
Như vậy, Đề án này, một mặt, phù hợp với những điều khoản liên quan tới quyền con người được đề cập tại Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, đó là sự cụ thể hóa việc thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 - khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TƯ, ngày 4/11/2013), nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân…
Trong thực tế, hoạt động nghiên cứu, giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đã được triển khai từ lâu, thông qua các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu quyền con người, Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân, Viện Nghiên cứu gia đình và giới… Trên bình diện quốc gia, việc nghiên cứu nội dung một số điều ước quốc tế về quyền con người được thực hiện từ thế kỷ trước, khi Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn, tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, trước khi nền tảng pháp lý cho hoạt động tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền con người được xác lập vững chắc hơn thông qua Hiến pháp năm 1992 - được đề cập tại Điều 50. Đó là chưa kể rất nhiều hoạt động khác được Nhà nước quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên, mang ý nghĩa bảo đảm quyền cơ bản của con người, như là các hoạt động về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, giúp đỡ gia đình chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn.
Về mặt giáo dục, nội dung quyền con người đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học có mở chuyên ngành luật, quan hệ quốc tế… Ngay ở các cấp học phổ thông, học sinh Việt Nam đã từng bước được làm quen, được học về quyền con người thông qua những bài giảng môn đạo đức (tiểu học) - về trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu…; môn giáo dục công dân (trung học cơ sở và trung học phổ thông) - tôn trọng phụ nữ, không xâm phạm tài sản của người khác, quyền tự do cơ bản của công dân… Những bài học đó, tuy còn đơn giản, chủ yếu xoay quanh khía cạnh đạo đức, kỹ năng sống nhưng đã bước đầu khơi gợi ở giới trẻ suy nghĩ về quyền và nghĩa vụ; quyền, trách nhiệm và bổn phận của cá nhân với cộng đồng, góp phần hình thành thái độ ứng xử đúng đắn trước các vấn đề liên quan tới quyền con người.
Bởi vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Đề án là một bước tiến mới về giáo dục quyền con người, tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền cơ bản của mọi người dân khi chúng ta đã có được một đề án mang tầm quốc gia, có tính xuyên suốt hệ thống giáo dục quốc dân - điều chắc chắn góp phần tạo ra sự thay đổi cơ bản cả về nhận thức và hành động trong tương lai gần.
Quyết định “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” là một bước tiến mới, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, phù hợp với thông điệp thời đại - giáo dục về quyền con người mang lại cho mỗi người năng lực hiểu về quyền cơ bản của mình cũng như trách nhiệm tôn trọng quyền của người khác, tạo ra cơ hội chung sống hòa bình.
Về cơ bản, quá trình triển khai thực hiện Đề án cần hướng tới những giá trị cốt lõi trong quan niệm của thế giới đối với vấn đề quyền con người, đặt chúng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Những bài học về quyền con người không chỉ nhằm hiện thực hóa mục tiêu giúp mỗi người hiểu và bảo vệ quyền của mình, mà còn phải thúc đẩy mỗi cá nhân thường trực ý thức tôn trọng quyền hợp pháp của người khác, luôn hướng về cộng đồng, lợi ích quốc gia, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” mang tầm quốc gia, chúng ta cần phải tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình giáo dục quyền con người một cách tổng thể, khách quan nhằm tìm ra những điểm hạn chế, những yếu tố bất cập mang tính rào cản để tìm ra giải pháp khả thi cho việc thực hiện hiệu quả Đề án. Một số vấn đề cần được tập trung tìm hiểu là năng lực, trình độ, phương pháp giảng dạy quyền con người của đội ngũ giáo viên, giảng viên; kết cấu môn học và dung lượng kiến thức cụ thể đối với từng cấp học; sự cần thiết lồng ghép nội dung giảng dạy về quyền con người với các môn học liên quan, giữa nội dung học chính khóa và hoạt động ngoại khóa; đổi mới nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo…
Hằng Trần