Sau điện thoại thông minh, thiết bị điện tử... Trung Quốc tiếp tục chinh phục các thành tựu công nghệ đỉnh cao của thế giới. Hàng Trung Quốc thách thức Mỹ và đe dọa vượt Nhật, Hàn.
Máy bay “Made in China”
Theo hãng tin CNN, chiếc máy bay phản lực thân hẹp hạng lớn đầu tiên của Trung Quốc vừa vượt qua một bài thử nghiệm quan trọng. Kết quả này giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất máy bay cỡ lớn hiếm hoi trên thế giới.
Hôm 23/4, chiếc máy bay C919, được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), đã hoàn thành bài thử nghiệm cuối cùng trên mặt đất tại Thượng Hải. Các phi công đã thành công trong bài thử nâng mũi máy bay, giảm tốc và phanh trên đường băng tại Sân bay Quốc tế Pudong.
Hàng Trung Quốc tràn ngập thế giới. Máy bay giá rẻ liệu có tạo ra cơn chấn động trên thế giới? |
C919 là loại máy bay thân hẹp, với sức chứa 168 hành khách, tương đương loại máy bay tầm trung A320 của Airbus và Boeing 737-800.
Trong thời gian tới, C919 sẽ bay thử nghiệm và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ hằng tháng hoặc hằng năm để được chứng nhận đạt các loại chuẩn an toàn trước khi có thể chở khách.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 8 trên thế giới có thể sản xuất được máy bay thương mại cỡ lớn sau Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Brazil và sẽ cạnh tranh trực tiếp với các nước này nếu giành được niềm tin của các hãng hàng không trên thế giới.
Hồi giữa tháng 4, hãng tin Bloomberg công bố một bản đánh giá cho thấy, Trung Quốc chỉ đi sau các nền kinh tế phát triển 6 tháng, trong đó có Hàn Quốc, về công nghệ thông tin. Đây là thông tin khá bất ngờ bởi Hàn Quốc nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh như Samsung cho đến hệ thống mạng lưới internet tốc độ cao nhất thế giới.
Theo hãng tin này, trong vòng 5 năm tới, sự khác biệt về công nghệ giữa các DN Trung Quốc và Hàn Quốc ở hầu hết các lĩnh vực sẽ rất nhỏ.
Chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc có mục đích rất rõ ràng là đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ phát triển dựa trên lực lượng lớn lao động giá rẻ sang các lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp: từ chế tạo robt tới hàng không vũ trụ.
Hồi cuối 2016, theo tờ SCMP, một công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng tuyên bố đang lên kế hoạch xây tàu đệm từ Maglev nối Bắc Kinh với Thượng Hải vào năm 2020, thời gian di chuyển khoảng 2,5 giờ đồng hồ, thay vì 5 giờ với loại tàu cao tốc hiện này. Tàu có tốc độ nhanh nhất thế giới, vượt ngưỡng 600 km/h mà Nhật Bản vừa thử nghiệm thành công.
Tham vọng đầu công nghệ
Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu tàu siêu tốc di chuyển trong ống chân không siêu phàm hơn hệ thống Maglev mà Nhật đang thử nghiệm và nhanh hơn so với hệ thống Hyperloop mà nhà phát minh người Mỹ đã đưa ra 3 năm trước đó, với vận tốc trung bình khoảng 1.000km/h.
Trung Quốc tập trung vào công nghệ cao. |
Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã có rất nhiều thương hiệu lớn, DN lớn tầm cỡ quốc tế. Trong mảng bán lẻ, Trung Quốc có Alibama, mảng giải trí có Tập đoàn Vạn Đạt (tỷ phú 30 tỷ USD Wang Jianlin), mảng công nghệ có Tencent, mảng chuyển phát có SF Express, mảng tìm kiếm có Baidu, gia dụng có Midea,...
Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc cũng đã vượt qua khó khăn cuối cùng trong thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay: mua lại nhà sản xuất thuốc trừ sâu Thụy Sĩ sau khi nhận được sự chấp thuận từ EU và Mỹ. Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) sẽ mua lại Syngenta với giá 43 tỉ USD và trở thành 1 trong 3 đại gia trong ngành công nghiệp này.
Có thể thấy, trong thập kỷ vừa qua, trình độ công nghệ của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. Nền kinh tế Trung Quốc đã có vài thập kỷ phát triển bùng nổ nhờ vào sản xuất hàng giá rẻ. Với lượng tiền tích lũy khổng lồ, các DN Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài và mua bán thâu tóm để có thể lớn mạnh và sở hữu công nghiệp tiên tiến trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thể hiện rõ ý định sử dụng vốn nhà nước để thâu tóm công nghệ nước ngoài và mang về nhà.
Trong vài năm gần đây, các DN Trung Quốc rất chú trọng thâu tóm các công ty công nghệ quan trọng và các DN sở hữu thương hiệu mang tính biểu tượng, như vụ Midea thâu tóm tập đoàn công nghệ tự động hóa nổi tiếng của Đức Kuka, hay vụ xe hơi Volvo của Thụy Điển, lốp Pirelli của Ý,...
Với hàng loạt các vụ thâu tóm lớn trong các lĩnh vực quan trọng, không khó có thể hình dung về trình độ công nghệ của Trung Quốc đã và sẽ thay đổi như thế nào. Trung Quốc sắp bắt kịp Hàn Quốc. Nếu sản xuất được máy bay sẽ vượt Nhật, và đang đuổi sát theo đầu tầu kinh tế châu Âu: Đức, cũng như thách thức vị trí số 1 của Mỹ.
Trong khi nền kinh tế châu Âu đang rệu rã, Đông Bắc Á vật lộn tìm động lực tăng trưởng, thì Trung Quốc đang chuyển mạnh sang nền kinh tế công nghệ cao.
Sự phát triển của Trung Quốc là rất nhanh. Đây được xem là một động lực lớn cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn đang trong quá trình phát triển lên một tầm cao mới và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có trình độ quản trị, văn hóa hội nhập và đặc biệt là niềm tin đối với người tiêu dùng thế giới.
V. Hà