Sin Suối Hồ nằm cheo leo trên đỉnh núi, với độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, thuộc huyện biên giới Phong Thổ, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng chừng 30 km.
Ở nơi heo hút này, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều ngôi nhà của người Mông vẫn giữ được những bức tường đất truyền thống từ hàng trăm năm. Những gốc cây cổ thụ hơn 300 tuổi, những tảng đá “bìa đỏ” xưa vẫn được bảo vệ và giữ gìn.
Hơn 20 năm trước, đây là thủ phủ của ma tuý. Cả bản chỉ có khoảng 120 hộ dân, 100% là người Mông, với hơn 700 nhân khẩu nhưng có hơn 80% là người nghiện thuốc phiện và 100% hộ trong bản đều là hộ nghèo.
Cùng với sự trợ giúp đắc lực của các cấp chính quyền, trưởng bản Vang A Chỉnh và những người có uy tín trong bản đã quyết tâm vực dậy bản.
Trước tiên là cuộc vật lộn dai dẳng để cai ma tuý cho người nghiện trong bản. Ngoài kiên trì đấu tranh quyết liệt anh Chỉnh ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động lúc cứng rắn, khi lại mềm dẻo, phối hợp cùng các cấp chính quyền, bộ đội biên phòng tìm giải pháp cai nghiện cho dân bản... gần 10 năm quằn quại chống chọi với ma tuý, ông trời đã không phụ lòng người, cuối năm 2014 cả bản Sin Suối ngập tràn niềm vui vì không còn ai nghiện ma tuý.
Cai nghiện được rồi nhưng làm thế nào để thoát khỏi cái nghèo vẫn bủa vây bao đời nay, bởi từ xưa người Mông nơi đây chỉ biết quanh quẩn bên nương ngô, ruộng lúa với trình độ canh tác thủ công.
Năm 2005, du lịch Sin Suối Hồ bắt đầu manh nha, nhưng khách chỉ đến tham quan rồi đi trong ngày và số lượng cũng hạn chế. Người trưởng ban tiên phong đã lên internet tìm hiểu các địa phương khác và tìm ra được hướng phát triển kinh tế từ làm du lịch.
Để thu hút khách, anh Chỉnh cùng bà con trong bản mạnh dạn đầu tư sửa chữa nhà cửa, trồng cây xanh, trồng thêm hoa địa lan xung quanh nhà, hai bên ngõ để cải tạo cảnh quan. Ngày càng nhiều khách du lịch đến với bản tham quan và nghỉ lại.
Bản Sin Suối Hồ giờ đây không bao hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Toàn bản có khoảng hơn 30 hộ kinh doanh du lịch, nhà hàng và homestay. Con người sống với nhau chan hoà đầy yêu thương, họ cùng nhau làm du lịch bằng chính bản sắc và những di sản thiên nhiên vẫn được bảo tồn.
Bản Mông nghèo khó nơi "thâm sơn cùng cốc", nay khoác trên mình một diện mạo mới và trở thành một điểm sáng về du lịch văn hoá cộng đồng.
Để có được bước tiến ngoạn mục này, 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được xã quan tâm triển khai sâu rộng đến từng bản, hộ gia đình với nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân.
Thông qua Ngày hội đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để người dân gặp gỡ, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, hàng năm tại Ngày hội, các danh hiệu hộ gia đình văn hóa, bản văn hóa đều tăng. Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập, công tác, lao động sản xuất, các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo; chương trình “Xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ đã biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả mà xã Sin Suối Hồ, bản Sin Suối Hồ đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Trung khẳng định, việc tổ chức Hội nghị lần này là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trên con đường đi lên của xã. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới đề nghị xã Sin Suối Hồ, bản Sìn Suối Hồ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước, quy định của địa phương, quy ước, hương ước của bản đến Nhân dân.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí để năm 2023 và các năm tiếp theo giữ vững và đạt danh hiệu bản văn hóa đối với bản Sin Suối Hồ, trên địa bàn không có tệ nạn xã hội, không có trẻ em trong độ tuổi bỏ học, không có người sinh con thứ ba, tảo hôn.
Đối với Bản du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò là chủ thể tổ chức, quản lý, thực hiện và đồng thời là người thụ hưởng, do vậy, chính quyền địa phương cùng Nhân dân cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, giữ vững vị trí là điểm sáng về du lịch cộng đồng của huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.
Hồ Nhi