Nỗ lực thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền
Nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu Chương trình đặt ra đến năm 2025 rất cụ thể: Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm; Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10% trong giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ; Phấn đấu đến 2025 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về sản phẩm tiềm năng, lợi thế về biển đảo;…
Chương trình cũng phác thảo một số định hướng phát triển: Xây dựng mô hình phát triển thương mại theo cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn; Tổ chức mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng nông sản, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội miền núi; Phát triển chợ đầu mối nông sản tại vùng sản xuất tập trung; Khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân, hộ kinh doanh;…
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1921-1925, chương trình sẽ phủ sóng triển khai trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trong cả nước và tập trung chủ yếu nhằm các hoạt động: (i) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; (ii) Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; (iii) Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; (iv) Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; (v) Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; (vi) Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; (vii) Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và (viii) Thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Những chuyển biến tích cực trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng
Thông tin tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2015 – 2020 cho thấy, chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Ngày 30/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 964 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, giao cho Bộ Công Thương thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, với tổng kinh phí là 446 tỷ đồng được huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.
Dù nguồn lực ngân sách của Nhà nước cấp cho hàng năm tương đối ít, tuy nhiên sự hỗ trợ của các nguồn lực khác, chương trình khác đã tạo ra rất nhiều chương trình khuyến khích các mặt hàng tiềm năng, lợi thế, chỉ dẫn địa lý, mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các vùng khó khăn miền núi vùng sâu vùng xa. Mặc dù sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên những mặt hàng này đã thực sự phát triển, tạo ra hệ thống phân phối thông suốt từ miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đến với thị trường cả nước.
Chương trình đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo; xây dựng, áp dụng và phát triển cơ chế “biên mậu trên biển” đối với một số huyện đảo, xã đảo; xây dựng mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại một số huyện đảo như Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; xây dựng được Cơ sở dữ liệu sản phẩm - ngành hàng có lợi thế tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
Đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; rà soát phát triển và quản lý chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ đó nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đối với quản lý, phát triển chợ, xây dựng các đề án kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng… để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng là lợi thế của các địa phương.
Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn 2015 – 2020, tiếp tục tháo gỡ, giải quyết những khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với địa bàn khó khăn này.
Vân Anh
Ảnh: Đàm An