{keywords}

Nhà báo Euny Hong viết trong cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool) phát hành năm 2016: "Ở Iran, bộ phim cổ trang Nàng Dea Jang Geum nổi tiếng tới mức người dân sắp xếp giờ ăn để không trùng với giờ chiếu phim". Điều này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam thời điểm 18 năm trước, khi các bộ phim Hàn Quốc xâm chiếm gần như toàn bộ châu Á. Rất nhiều năm sau đó, khán giả phát cuồng vì phim Hàn và dường như cơn sốt này kéo dài bất tận.

Tháng 7/2009, một sự việc chưa từng có xảy ra, VFC (Hãng phim truyền hình Việt Nam) đột ngột thông báo ngừng sản xuất và phát sóng phim sitcom Những người độc thân vui vẻ. Theo kế hoạch, 500 tập phim sẽ phát sóng trong 2 năm nhưng do chất lượng không như mong đợi nên nhà sản xuất quyết định ngừng sản xuất khi mới ở tập 171 dù đã "book" sóng cho 250 tập phim. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến khi đó nhận trách nhiệm, thừa nhận bộ phim không như mong muốn ban đầu.  

{keywords}
Các diễn viên NSND Trung Anh, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, Bảo Hân trong phim ''Về nhà đi con''. 

Tròn một thập kỷ sau, cũng chính VFC lại được nhắc tên khi tạo ra bộ phim Về nhà đi con phá vỡ kỷ lục trên truyền hình Việt. Bắt đầu phát sóng từ tháng 4/2019, suốt 5 tháng liền, Về nhà đi con gây sốt trên các diễn đàn, những câu thoại thành “trend”, tình huống trong phim được đưa ra bàn luận, mổ xẻ. Cũng giống như tại Iran năm 2003, thời điểm đó nhiều người Việt bắt đầu nghĩ đến đi đâu làm gì cũng phải nhanh chóng để tối về kịp xem phim. Theo Trung tâm quảng cáo của Đài truyền hình Việt Nam, Về nhà đi con có mức rating (lượt người xem) đột biến (4.7) cho khung giờ dành cho phim truyền hình trên VTV1. 

Cũng trong năm 2019, khán giả phía Nam cũng phát sốt với 2 bộ phim Gạo nếp gạo tẻ và Tiếng sét trong mưa. Chưa năm nào phim truyền hình Việt thống trị gần như tuyệt đối khi 10 phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam năm 2019 đều là phim Việt.

{keywords}

Để chuẩn bị cho cú đột phá này, phim truyền hình Việt đã có những cú tạo đà từ 2 năm trước với sự ra mắt của hai bộ phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử là phim làm lại kịch bản nước ngoài. Câu nói của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng thủ vai) trong phim tạo thành “hot hit” lúc đó: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những thứ khác có hay không, không quan trọng". Đến nay, dù có rất nhiều bộ phim truyền hình gây sốt nhưng vẫn chưa phim nào vượt mặt được Người phán xử về giá quảng cáo với 220 triệu cho mỗi spot 30s.

Sau Về nhà đi con, Quỳnh búp bê, Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử, gần đây tiếp tục các cơn sốt: Hoa hồng trên ngực trái, Mẹ ghẻ, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa… Bộ phim Mẹ ghẻ phát sóng ở đài truyền hình Vĩnh Long nhưng dẫn đầu rating cả nước với lượng người xem 6.7%.

Đạo diễn, NSND Khải Hưng - người được coi là cha đẻ của phim truyền hình Việt nhận định: "Vài năm gần đây, phim truyền hình lột xác ngoạn mục. Đạo diễn, biên kịch chắt chiu từng đề tài, chú tâm đến khán giả. Vật tư, kỹ thuật được đầu tư bài bản, hiện đại. Đặc biệt, việc hợp tác với nước ngoài giúp nhà làm phim tiếp thu được công nghệ mới, cách làm mới. Trước chúng tôi làm phim điện ảnh chiếu trên truyền hình nhưng bây giờ đích thực là trả lại truyền hình cho truyền hình”.

{keywords}
 NSND Hoàng Dũng và NSND Trung Anh trong phim ''Người phán xử''.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền, người đứng sau các bộ phim ăn khách phía Nam cho rằng, sự phát triển của phim truyền hình Việt 4-5 năm trở lại đây là do nhìn nhận đúng của các nhà đầu tư, ở đây là VFC (đại diện phía Bắc) và Truyền hình Vĩnh Long (đại diện phía Nam). "Sự vượt trội của VFC là do người dẫn đường đi đúng. Giám đốc Đỗ Thanh Hải chú trọng món ăn tinh thần cho khán giả, mạnh dạn giao cho lớp trẻ các phim lớn, đề tài đa dạng. Còn phía Nam, Đài Vĩnh Long đánh vào phim hơi sến, công thức phim gia đình cho người nội trợ", đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng cho hay, không chỉ thay đổi về tư duy đề tài, hiện tại các phim đều đã chuyển qua quay máy chất lượng 4K nên hình ảnh đẹp như phim điện ảnh. Bên cạnh đó sự cạnh tranh trong giới làm phim ngày càng lớn, việc đo rating phim buộc các đạo diễn phải cố gắng để tồn tại trong dòng chảy phim truyền hình, ai làm ẩu, qua loa sẽ bị đào thải. 

"Chúng tôi phải thay đổi nhiều, không còn làm phim với những cỗ máy nặng nề, giờ chỉ cần cầm chiếc máy nhỏ như máy chụp hình mà quay được chất lượng 4K cho hình ảnh đẹp như phim nhựa. Động tác máy, cơ di chuyển cũng phải rất linh động. Giờ các thiết bị đèn có thể quay sáng đêm mà không tốn nhiều năng lượng, mọi nhu cầu làm phim được đẩy lên cao giúp tiết kiệm thời gian. Do vậy trước đây quay một tập phim 4K có thể mất 4-5 ngày giờ chỉ còn khoảng 2,5/ngày mà chất lượng như phim điện ảnh", anh nói. 

Như vậy “công thức” cốt lõi cho một bộ phim truyền hình ăn khách là: Kịch bản gần gũi, chân thực + Công nghệ làm phim hiện đại.

Từ công thức này cho thấy sự quan trọng của kịch bản. Ở thời đại nào cũng vậy, những câu chuyện chân thực, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng trăn trở của người dân là sức hút lớn với công chúng. Bên cạnh đó, công nghệ làm phim hiện đại, cách làm mới mẻ sẽ mang đến hình ảnh đẹp cho những bộ phim, thỏa mãn khán giả cả về hình thức lẫn nội dung.

Bởi thế, như nhà biên kịch Trịnh Khánh Hà chia sẻ, cần coi trọng đội ngũ biên kịch bằng việc trả thù lao xứng đáng để họ có động lực đầu tư cho những tác phẩm hay. Còn như đạo diễn Phương Điền bộc bạch, những người làm phim phải không ngừng cập nhật và áp dụng công nghệ để không lạc hậu so với thế giới. Có như vậy, phim truyền hình Việt không bao giờ lo không có khán giả.

 Hoàng Vy

Những bộ phim giải thoát điện ảnh Việt Nam

Những bộ phim giải thoát điện ảnh Việt Nam

Nói lên những khát vọng, phản ánh hiện thực cuộc sống và chạm đến cảm xúc của công chúng là yếu tố sống còn của một bộ phim. Chỉ có những bộ phim như vậy mới giải thoát điện ảnh Việt khỏi bế tắc và khủng hoảng.