Bình Nhưỡng có năng lực tên lửa hạt nhân bất chấp nỗ lực của Washington, trong bối cảnh được Bắc Kinh và Moscow ưu ái, cộng với mùa bầu cử năm tới ở Mỹ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang gia tăng vị thế trước chính quyền Tổng thống Donald Trump.

{keywords}
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: SCMP)

Theo SCMP, hai hành động tuần qua của Triều Tiên thể hiện mức độ quan trọng mà Chủ tịch Kim cảm nhận được, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, ông có thể đảo ngược cán cân đòn bẩy giữa nước ông và Mỹ trong năm rưỡi vừa qua.

Hôm 18/4, Bình Nhưỡng thông báo thử nghiệm một loại "vũ khí dẫn đường chiến thuật" mới nhưng không tiết lộ chi tiết. Ngay sau đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun ra thông cáo yêu cầu Washington thay Ngoại trưởng Mike Pompeo trong vai trò trưởng đoàn đàm phán với Bình Nhưỡng về hạt nhân.

Mọi thứ đã thay đổi nhiều kể từ năm 2017-2018, khi cách tiếp cận của chính quyền Trump với Triều Tiên là màn phô diễn sức mạnh Mỹ. Năm 2017, trọng tâm là gây áp lực với Bình Nhưỡng bằng cách thể hiện mong muốn sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên. Vào cuối năm đó, Tổng thống Trump lên mạng Twitter dọa trả đũa các mối đe dọa Triều Tiên bằng "lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến".

Năm 2018, trọng tâm chuyển từ "cây gậy" sang "củ cà rốt", khi Washington chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Triều Tiên cho các cuộc đàm phán cấp cao dựa trên khát vọng "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". 

Ông Trump đã hứa hẹn trao cho ông Kim một thỏa thuận, trong đó Mỹ sẽ giúp xây dựng Triều Tiên thành một nước thịnh vượng bằng cách cho phép các khoản đầu tư nước ngoài và du lịch nghỉ dưỡng. Lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí mang tới hội nghị ở Singapore một đoạn video do chính phủ Mỹ dựng, nhắc đến một nhà phát triển bất động sản Mỹ như nhà đầu tư tiềm năng.

Tuy vậy, đòn bẩy này của Mỹ lại không hề hiệu quả. Các đe dọa cũng không ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển một tên lửa hạt nhân tầm xa.

Vào cuối năm 2017, các quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận Triều Tiên có năng lực tên lửa hạt nhân, cho phép ông Kim Jong Un tuyên bố vào tháng 1/2018 rằng nước ông không cần thử nghiệm tên lửa tầm xa nữa.

Bình Nhưỡng thậm chí làm ngơ với cam kết về sự thịnh vượng mà Mỹ đưa ra để đổi lấy phi hạt nhân hóa, vì 2 lý do. Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn xếp hàng ở cửa ngõ Triều Tiên. Thứ hai, chính quyền ông Kim Jong Un không muốn chịu ảnh hưởng của kinh tế nước ngoài mà chỉ muốn dòng tiền và hàng hóa chảy vào một cách tách biệt và có chọn lựa.

Mối quan hệ thay đổi của Trung Quốc với Triều Tiên đã giúp Kim Jong Un gia tăng sức mạnh trong quan hệ với Mỹ. Năm 2017, cấm vận của Bắc Kinh với nước láng giềng lên tới đỉnh điểm và ông Kim vẫn chưa được Bắc Kinh chào đón. Chiến dịch hòa bình đa hướng của Kim Jong Un khởi đầu trong năm 2018 đã giúp ông gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần, không những thế còn được Bắc Kinh kêu gọi quốc tế giảm nhẹ trừng phạt để thưởng cho cách tiếp cận hòa giải.

Và giờ đây, Bình Nhưỡng đang đảo ngược đòn bẩy đối với Mỹ. Ông Trump từng háo hức tuyên bố chiến thắng về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đến nỗi sau hội nghị lần 1 với Kim Jong Un hồi tháng 6/2018, ông tuyên bố: "Không còn mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên nữa". Ông chủ Nhà Trắng cùng Ngoại trưởng Pompeo liên tục nhắc đến chuyện Bình Nhưỡng không thử tên lửa tầm xa và bom hạt nhân nữa, như dấu hiệu hiện hữu chứng tỏ chính sách của  Washington với Triều Tiên đã thành công.

Thông báo của chính quyền Kim Jong Un về vụ thử "vũ khí dẫn đường chiến thuật" vào tuần trước dường như được tính toán để phát đi thông điệp, rằng họ biết rõ thế khó của ông Trump hiện nay và có thể tận dụng nếu Washington nhất quyết không bãi bỏ cấm vận kinh tế. Đặc biệt, Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ tiếp tục thử vũ khí, và lần tới có thể là một "vũ khí dẫn đường chiến lược", tức tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Bình Nhưỡng muốn giải quyết vấn đề với Tổng thống Trump thay vì các cố vấn chuyên môn của ông. Tuy nhiên, chính quyền Kim Jong Un vẫn thể hiện sự táo bạo khi yêu cầu nhà lãnh đạo Mỹ sa thải ông Pompeo. Điều này, ở mức tối thiểu, chứng tỏ Kim Jong Un rất tự tin. Nó cũng cho thấy Pompeo đã làm khá tốt trong việc thúc ép Bình Nhưỡng đàm phán chân thành.

Đạt được năng lực tên lửa hạt nhân bất chấp đe dọa của Mỹ, với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga về nới lỏng cấm vận, và với việc ông Donald Trump sắp bước vào cuộc chạy đua bầu cử năm 2020, đây chính là lúc thuận lợi để nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi nước cờ của mình.

Thanh Hảo